liệu có báo về địa phương anh là liệt sĩ không? Lúc đó nỗi đau
của mẹ lớn lắm.
Xem ra những lời Ngọc lọt được vào tai anh bạn phần nào.
Ngọc hiểu rằng: cho dù hậu quả những vết bỏng này tệ hại đến
đâu thì mình vẫn còn nguyên vẹn chân tay và đôi mắt, không
thể so với sự mất mát của anh ta, nhưng lời của Ngọc sẽ dễ vào
hơn những sự động viên suông, vì ở thời điểm này, Ngọc và
anh là cùng cảnh ngộ. Từ hôm đó, Ngọc và anh bạn mới tên
Hoàng ấy trở nên gắn bó. Khi bắt đầu đi lại được, Ngọc thường
rủ Hoàng đi dạo quanh bệnh viện, giúp anh ta đi vệ sinh, đi
tắm. Bệnh viện dã chiến là nơi đầu tiên tiếp nhận thương binh.
Có hôm, từ tuyến ống, người ta cáng vào một người lính dẫm
phải mìn lá. Anh ta không chỉ cụt một bàn chân, mà khi ngã
xuống, lại chống tay vào một quả khác, khiến một bàn tay cũng
bị xé tan. Những mạt thủy tinh từ hai trái mìn lá găm sâu
xuống da khiến cơ thể, tay, chân và mặt anh xanh đen như bôi
mực. Mấy cô gái khiêng anh vào vừa đi vừa khóc: Trời ơi. Sao
cứ bắt những người con trai đẹp bị chết, bị thương. Anh ơi, sao
mà anh khổ thế này. Nhìn cảnh ấy, Ngọc cảm thấy nghèn
nghẹn nơi cổ họng, và có lẽ chính những cảnh ấy khiến Hoàng
hiểu ra rằng sự mất mát trong chiến tranh thật là không có
giới hạn, và mình chưa phải là giới hạn cuối cùng. Hôm rời
bệnh viện ra hậu phương, Hoàng dang đôi tay cụt ôm lấy Ngọc:
- Thôi, ở lại mà điều trị cho khỏi nhé. Tôi sẽ về với mẹ già,
tôi sẽ cố gắng để sống.
Ngọc tần ngần nhìn theo Hoàng. Chàng trai cao và mảnh
dẻ, dáng đẹp lạ thường. Nếu hắn không bị cụt hai tay, chắc
chắn sẽ có nhiều cô gái chết mê chết mệt.
Vết bỏng tên mặt, trên tay Ngọc lành dần. Những bọng
nước trên mặt có chỗ tự khô, có chỗ dịch chảy ra rồi khô.