rung lên từng đợt.
*
Thục hoàn chỉnh lại những số liệu cuối cùng để bàn giao
tuyến ống cho đơn vị bạn. Tiểu đoàn 96 sẽ hành quân đi nhận
nhiệm vụ mới.
Đến tháng 5-1970 Tiểu đoàn 96 đã vận hành qua hai mùa
khô. Tuyến đường ống đã vào đến bản Vát cách đèo Mụ Giạ
tám mươi cây số. Hơn tám ngàn tấn xăng đã xuất ra khỏi các
kho đường ống ở tây Trường Sơn để tiếp sức cho các đoàn xe.
Chỉ những ai đã nếm trải sự hi sinh ác liệt trên mỗi thước
đường Trường Sơn, những ai trải qua những ngày máu lửa mà
mỗi phi xăng phải đổi bằng một mạng người, mới hiểu được ý
nghĩa của con số này.
Hai mùa khô đã gắn bó lính của Tiểu đoàn với tuyến ống
của họ. Gian khổ ác liệt đã gắn kết họ lại. Tuyến đường ống đã
thành lò lửa thử thách chân giá trị của mỗi người. Thục khâm
phục sự từng trải, vững vàng những cán bộ lớn tuổi như Tiểu
đoàn trưởng Công, Chính trị viên Đại đội Cao Thiên. Họ là trụ
cột của Tiểu đoàn vào những lúc gian khó nhất. Còn những
người lính, họ đã vượt lên gian khổ ác liệt bảo vệ và vận hành
tuyến ống bằng sức trẻ của mình. Khi tuyến bị đánh cháy họ
lao vào dập lửa, cứu tuyến ống không hề đắn đo. Bây giờ cả
Tiểu đoàn hành quân nhận nhiệm vụ mới ở khu vực đường số
9. Đó là địa bàn giáp với các chiến trường ác liệt như Quảng
Trị, Khe Sanh. Thử thách ở đó chắc sẽ khốc liệt hơn trên tuyến
này. Bỗng nhớ Khanh đến nao lòng, Thục gửi nỗi niềm vào
trang nhật ký:
Ngày... tháng 5 năm 1970.