lên đường.
Ngay sau khi tập huấn, Ngọc được cử tham gia đội khảo sát
vào Nghệ An trước để định tuyến cho lực lượng thi công. Anh
xin phép một buổi về nhà chào bố mẹ và gia đình. Ngày lên
đường đối với anh nhẹ tênh. Ngọc không mảy may nghĩ rằng
từ ngày hôm ấy cho đến hết cuộc chiến tranh, những năm
tháng tuổi trẻ của anh sẽ gắn với mọi thăng trầm, gian khó của
tuyến đường ống dẫn dầu Trường Sơn. Chiếc xe lăn bánh rời
làng Thọ vào một buổi sáng mùa hè rực nắng. Những trận bom
khốc liệt của máy bay Mỹ qua nửa năm vẫn chưa liền sẹo. Tất
cả các cầu, bến phà đều bị đánh hỏng, đường đủ các loại hố
bom mới được lấp lại, nhưng vẫn là các ổ gà, ổ trâu. Chiếc xe ca
cứ nhẩy chồm chồm khiến cho mấy anh nhân viên trắc địa rất
vất vả để bảo vệ cho các máy đo không bị va đập. Tất cả các thị
trấn, phố xá hai bên đường đều tan hoang, đổ nát. Đoạn gần
đến thị xã Ninh Bình có một lối vào làng đầy hố bom lở lói,
riêng cái cổng làng vẫn nguyên vẹn. Nguyên vẹn cả rêu phong
và những dây leo xanh trên vòm mái. Không hiểu sao, nhìn cái
cổng làng ấy, Ngọc bỗng thấy quên cả cái nóng hầm hập trên
xe. Anh nghĩ tới một sức sống kỳ lạ vượt lên bom đạn ác liệt
của chiến tranh. Chiều tối chiếc xe chở đoàn khảo sát mới tới
phía bắc Truông Băng. Đây là điểm cuối khu vực địch xuống
thang. Qua bên kia đỉnh dốc là vùng đánh phá của máy bay Mỹ.
Ngay sáng hôm sau, đội khảo sát được tập trung giao
nhiệm vụ. Lúc này Ngọc mới biết đã có một tổ vào khảo sát sơ
bộ trước. Đội khảo sát của anh có trách nhiệm vạch tuyến cụ
thể, đo đạc chính xác và cắm mốc cho lực lượng thi công. Một
thiếu úy cao, gầy treo tấm bản đồ hướng tuyến lên vách. Anh
chỉ từng điểm mà tuyến ống phải đi qua, lưu ý các vị trí máy
bay trinh sát địch thường nhòm ngó, các yêu cầu giữ bí mật