nhưng để vượt dốc, các trạm bơm có khi cách nhau chỉ vài
trăm mét. Thông tin trên tuyến đường ống cũng là vấn đề rất
hệ trọng. Nếu đường ống là mạch máu thì thông tin được ví
như hệ thần kinh. Phải có thông tin thì khi phát hiện sự cố
mới có thể báo về cho sở chỉ huy xử lý. Nếu đứt ống mà cứ bơm
thì không chỉ là mất xăng, mà xăng có thể tràn ra suối, tràn
vào khu dân cư, hậu quả khó lường hết được. Để hạn chế hậu
quả khi có sự cố, trên tuyến ống, tùy theo địa hình, từ vài ba
cây số đến dăm cây số, sẽ có một van chặn. Đa số nơi có van
chặn đều lắp đồng hồ đo áp suất. Khi vận hành, ở vị trí van đó
có người trực, sẵn sàng theo lệnh, đóng van chặn dòng chảy,
không cho xăng đến nơi xẩy ra sự cố. Những điểm lắp van ấy
gọi là "cửa van" hoặc gọi tắt là "cửa". Tại mỗi trạm bơm hoặc
cửa van đều phải có máy điện thoai. Các máy điện thoại trên
toàn tuyến được đấu chữ đinh (T) vào đường dây thông tin
chạy dọc theo tuyến ống. Với cách đấu như vậy, một người nói
là toàn tuyến nghe được. Khi vận hành, các máy điện thoại đều
có người áp tai nghe. Chỉ có ba trường hợp được nói vào máy
điện thoại: Một là các mệnh lệnh phát ra từ sở chỉ huy vận
hành và báo cáo về việc thực hiện sự chỉ đạo đó. Hai là báo cáo
khẩn cấp của những nơi xẩy ra sự cố. Ba là báo cáo định kỳ của
các trạm bơm, cửa van về các chỉ số đo trên đồng hồ áp suất và
các thông số cần thiết khác theo yêu cầu của chỉ huy sở.
X42 là đoạn tuyến ống dã chiến đầu tiên nên việc thử rửa
còn ngỡ ngàng đối với mọi người. Ngày thử rửa, quân của toàn
Công trường 81 được rải lên tuyến để phát hiện sự cố. Hầu hết
tuyến chạy trên đường bằng, ống lại mới, nên chỉ xẩy ra một số
sự cố nhỏ do ta chưa có kinh nghiệm lắp ráp, một số ống bị đất
đá lọt vào do lắp ráp ban đêm không phát hiện được. Sau hai
ngày thử rửa, tuyến ống đã hoàn toàn thông suốt.