Hay bởi vì tốc độ đổi mới công nghệ đột nhiên chậm lại? Không. Lý do gần
nhất của tình trạng bất ổn kinh tế năm 2008 là nằm ở ngành tài chính: nói
chính xác hơn, đó là một cơn co thắt trên thị trường tín dụng, do tình trạng
không trả được nợ leo thang ở một loại hình nợ được biết đến với cái tên
mỹ miều là các khoản vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn (subprime
mortgage). Hệ thống tài chính toàn cầu của chúng ta đã trở nên tinh vi tới
mức các gia đình tương đối nghèo tại những bang từ Alabama tới
Wisconsin có thể mua hay tái thế chấp nhà ở của họ bằng những khoản vay
thường là phức tạp. Những khoản vay này sau đó sẽ được gộp vào với
những khoản vay tương tự (mà các gia đình này không được biết), sau đó
được tái đóng gói thành các cam kết nợ có thế chấp (CDO), được các ngân
hàng ở New York và London bán lại cho các ngân hàng địa phương ở Đức,
các chính quyền thành phố ở Na Uy - những nơi này mới thực sự là những
người cho vay thế chấp nhà ở. Các CDO này được chia nhỏ tới độ người ta
có thể cam đoan rằng "cấp" lãi suất thu từ những người đi vay ban đầu cũng
đáng tin cậy không kém tiền lãi từ trái phiếu kỳ hạn mười năm của Bộ Tài
chính Mỹ, và do đó xứng đáng được xếp hạng tín dụng AAA. Công nghệ
giả kim tài chính đã đạt tới độ tinh xảo mới, đủ để có thể biến chì thành
vàng.
Thế nhưng, khi các khoản vay mua nhà thế chấp ban đầu được ấn định
lại ở mức lãi suất cao hơn sau khi kết thúc giai đoạn một hay hai năm "dùng
thử", nhiều người vay bắt đầu vỡ nợ. Đây là dấu hiệu cho thấy bong bóng
bất động sản ở Mỹ bắt đầu vỡ, gây ra mức sụt giảm giá nhà mạnh nhất kể từ
những năm 1930. Những gì xảy ra sau đó giống như một phản ứng dây
chuyền diễn ra chậm chạp nhưng có sức tàn phá ghê gớm. Tất cả các loại
chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản, kể cả nhiều công cụ tài chính trên
thực tế không bảo đảm bằng thế chấp dưới chuẩn, đã sụt giảm giá trị
nghiêm trọng. Các tổ chức tài chính như "ống dẫn" và "pháp nhân đầu tư
được cơ cấu hóa" do các ngân hàng lập ra để giữ các chứng khoán này nằm
ngoài bảng cân đối đều ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Với việc mua
vào số chứng khoán đó, tỷ lệ giữa vốn và tài sản của các ngân hàng rót
xuống gần mức tối thiểu theo luật định. Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và