hiện tại của nó dễ dàng hơn nhiều. Do đó, các bộ phận then chốt của hệ
thống tài chính hiện đại sẽ được lần lượt trình bày. Chương đầu tiên trong
cuốn sách này lần theo sự lên ngôi của tiền tệ và tín dụng; Chương 2 đề cập
tới thị trường trái phiếu; và Chương 3 về thị trường cổ phiếu. Chương 4
thuật lại câu chuyện về bảo hiểm; Chương 5 về thị trường bất động sản; và
Chương 6 về sự thăng, trầm rồi lại thăng của tài chính quốc tế. Mỗi chương
sẽ nhắm vào một câu hỏi lịch sử quan trọng. Vào lúc nào tiền không còn là
kim loại mà biến thành tiền giấy, trước khi biến mất hẳn? Có phải với việc
đặt ra lãi suất dài hạn, thị trường trái phiếu sẽ thống trị thế giới? Vai trò của
các ngân hàng trung ương ra sao trong các bong bóng trên thị trường cổ
phiếu và khi các bong bóng này vỡ? Tại sao bảo hiểm không nhất thiết là
cách thức tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi rủi ro? Có phải người ta phóng đại
những lợi ích của việc đầu tư vào bất động sản? Có phải sự phụ thuộc lẫn
nhau về kinh tế giữa Trung Hoa và Mỹ là chìa khóa cho sự ổn định tài chính
toàn cầu, hay đó chỉ là con quái vật truyền thuyết?
Với việc cố gắng trình bày lịch sử tài chính từ thời Lưỡng Hà cổ đại cho
tới tài chính vi mô hiện đại, chắc hẳn tôi đã đặt ra cho mình một công việc
bất khả thi. Rất nhiều nội dung sẽ bị bỏ qua để đảm bảo sự súc tích và đơn
giản. Thế nhưng công việc này cũng đáng làm nếu nó có thể khiến hệ thống
tài chính hiện đại trở nên rõ ràng hơn trong tâm trí của một bạn đọc bình
thường.
Bản thân tôi cũng học được rất nhiều điều khi viết cuốn sách này, trong
đó có ba điều nổi bật. Thứ nhất là nghèo khổ không phải là kết quả của việc
các nhà tài phiệt tham lam bóc lột người nghèo. Nó liên quan nhiều hơn tới
việc thiếu các tổ chức tài chính, thiếu vắng các ngân hàng chứ không phải
có mặt chúng. Chỉ khi người đi vay có thể tiếp cận được các mạng lưới tín
dụng hiệu quả thì họ mới có thể thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ cho vay
nặng lãi, và chỉ khi người tiết kiệm có thể gửi tiền của mình vào các ngân
hàng đáng tin cậy thì đồng tiền mới có thể luân chuyển từ những kẻ giàu có
ăn không ngồi rồi tới những người nghèo khổ chăm chỉ. Luận điểm này
không chỉ áp dụng cho các nước nghèo trên thế giới. Nó cũng đúng với
những khu vực dân cư nghèo khổ nhất ở các nước phát triển - được biết đến