thống tài chính sau chiến tranh".
Thậm chí những người đi du lịch cũng
bị cấm mang quá một số tiền nhất định ra nước ngoài nếu các chính phủ
cảm thấy không thể cho đồng nội tệ của mình chuyển đổi thành vàng được.
Khi các lượng vốn di chuyển qua biên giới quốc gia, chúng sẽ phải di
chuyển từ chính phủ này sang chính phủ khác, giống như Viện trợ Marshall
từ năm 1948 đến 1952 đã giúp hồi sinh Tây Âu bị tàn phá nặng nề.
Hai "chị em" đứng bảo vệ cho trật tự mới được thành lập ở Washington
D.C., thủ đô của "thế giới tự do": Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng
Tái thiết và Phát triển Quốc tế, sau này (kết hợp với Hiệp hội Phát triển
Quốc tế) được biết đến với cái tên Ngân hàng Thế giới. Theo lời của Chủ
tịch Ngân hàng Thế giới hiện nay là Robert Zoellick, "IMF được xem là nơi
điều tiết tỷ giá trao đổi ngoại tệ. Còn Ngân hàng Thế giới ban đầu được
xem là nơi giúp xây dựng lại các quốc gia đã bị chiến tranh tàn phá.
Thương mại tự do sẽ được hồi sinh. Song luồng di chuyển vốn tự do bị khai
trừ." Đây là cách trong một phần tư thế kỷ sau đó, các chính phủ đã giải
quyết cái gọi là "bộ ba vấn đề đối nghịch", theo đó một quốc gia chỉ có thể
lựa chọn hai trong số ba phương án chính sách sau:
1. tự do hoàn toàn cho các luồng di chuyển vốn qua biên giới;
2. một tỷ giá trao đổi ngoại tệ cố định;
3. một chính sách tiền tệ độc lập hướng vào các mục tiêu trong nước.
Dưới hệ thống Bretton Woods, các quốc gia phương Tây đã lựa chọn
phương án 2 và 3. Trên thực tế, xu hướng là kiểm soát vốn sẽ ngày càng
chặt chẽ hơn chứ không phải là dễ dãi hơn. Một ví dụ phù hợp là Đạo luật
Cân bằng Quyền lợi được Mỹ thông qua năm 1963, một đạo luật được thiết
kế rõ ràng để không khuyến khích người Mỹ đầu tư vào các chứng khoán
nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại sự không bền vững ở hệ thống Bretton
Woods. Đối với Thế giới thứ ba, nhiều nỗ lực khác nhau nhằm bắt chước
Kế hoạch Marshall thông qua các chương trình viện trợ liên chính phủ đã
cho những kết quả thực sự đáng thất vọng. Dần dần, viện trợ - đặc biệt là