lần xảy ra để tính toán được những trường hợp giống nó làm cơ sở đánh giá
giá trị xác suất đáng tin cậy..."
Chính điểm này cũng được Keynes diễn
đạt hết sức sáng rõ vào năm 1937. Ông viết để trả lời các nhà phê bình cuốn
General Theory (Lý thuyết tổng quát) của ông rằng:
Khi nói thông tin nào đó là "bất định" tôi không chỉ muốn phân biệt giữa
những gì chắc chắn và những gì chỉ là có thể. Nói theo nghĩa này thì trò
chơi đánh bạc cò quay cũng không mang tính bất định... Tuổi thọ kỳ vọng
của con người cũng chỉ hơi mang tính bất định. Cả thời tiết cũng chỉ tương
đối bất định. Tôi dùng từ này theo nghĩa, một cuộc chiến tranh châu Âu,
hoặc mức lãi suất trong hai mươi năm tới, là điều bất định... Những việc
này chúng ta hoàn toàn không có cơ sở khoa học để hình thành một xác
suất tính toán được. Đơn giản là ta không biết gì về nó.
Keynes tiếp tục đưa ra giả thuyết về những cách mà các nhà đầu tư có
thể "cố gắng hành động trong những tình huống ấy, sao cho thể hiện mình
là những người có lý trí và có suy nghĩ kinh tế":
(1) Chúng ta thường cho rằng thời hiện tại là một bản chỉ dẫn dùng được
cho tương lai, trong khi nếu ta xem xét kinh nghiệm quá khứ một cách
thẳng thắn thì sẽ thấy không phải như vậy. Nói cách khác, chúng ta hầu như
mặc kệ khả năng có những thay đổi trong tương lai mà ta thật sự không hề
biết gì về chúng cả.
(2) Chúng ta cho rằng trạng thái hiện tại của đánh giá tình hình được thể
hiện qua giá cả và đặc tính của sản lượng hiện tại là dựa trên sự tổng kết
chính xác các khả năng tương lai...
(3) Vì biết rằng đánh giá của riêng bản thân mình thôi thì không có giá
trị gì, nên chúng ta thường dựa vào đánh giá của cả thế giới, mà ta cho rằng
hiểu biết tốt hơn. Nói cách khác, ta thường cố làm theo những hành vi của
đám đông hoặc hành vi trung bình.
Mặc dù khó có thể nói rằng Keynes nói đúng khi giải thích hành động
của các nhà đầu tư theo cách hiểu của mình, nhưng ông chắc chắn là đã
nghĩ đúng hướng. Thiên kiến kinh nghiệm (heuristic bias) của các cá nhân