đương nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra biến động của các thị
trường tài chính.
Từ đây, chúng ta đi tới lý do thứ hai dẫn tới sự bất ổn định tất yếu của hệ
thống tài chính, ấy là hành vi của con người. Như chúng ta đã thấy, tất cả
các tổ chức tài chính đều phụ thuộc vào thiên hướng bẩm sinh của chúng ta
là đi từ chỗ cực vui đến chỗ chán nản; sự bất lực kinh niên của chúng ta
trong việc bảo vệ bản thân khỏi "rủi ro đuôi" (tức các rủi ro có xác suất cực
nhỏ); thất bại liên miên của chúng ta trong việc học hỏi từ lịch sử. Trong
một bài ký sự nổi tiếng, Daniel Kahneman và Amos Tversky đã cho thấy
qua một loạt các thí nghiệm, rằng người ta thường tính toán nhầm các khả
năng khi phải đối đầu với các lựa chọn tài chính đơn giản. Đầu tiên, hai
người đã cho nhóm thí nghiệm mỗi người 1.000 bảng Israel. Rồi sau đấy
cho họ chọn giữa: (a) 50% cơ hội thắng thêm 1.000 bảng nữa, hoặc (b)
100% cơ hội thắng thêm 500 bảng nữa. Chỉ có 16% số người chọn a; những
người còn lại (84%) đều chọn b. Sau đó, họ cho nhóm thí nghiệm tưởng
tượng rằng mình đều nhận được mỗi người 2.000 bảng, và lại phải đưa ra
lựa chọn khác: (c) 50% cơ hội mất 1.000 bảng, hoặc (d) 100% cơ hội mất
500 bảng. Lần này thì đa số (69%) chọn (c); chỉ có 31% chọn (d). Thế
nhưng khi ta xét về khía cạnh thu lãi thì hai vấn đề này giống nhau hoàn
toàn. Trong cả hai lần ta đều có sự lựa chọn giữa 50% cơ hội có được 1.000
bảng, và cơ hội có được 2.000 bảng như nhau (a và c) hoặc chắc chắn nhận
được 1.500 bảng (b và d). Trong thí nghiệm này cũng như các thí nghiệm
khác, Kahneman và Tversky đã ghi nhận một sự bất cân xứng đáng kinh
ngạc: người ta tránh rủi trong các tình huống khả quan, nhưng lại tìm rủi ro
trong các tình huống tiêu cực. Thua lỗ có sức tác động mạnh gấp 2,5 lần lợi
nhuận cùng mức độ.
Sự thiếu kiên định này chỉ là một trong nhiều thiên kiến kinh nghiệm
(phương pháp suy nghĩ hoặc học hỏi lệch lạc) phân biệt con người thật sự
với "con người kinh tế" (homo oeconomicus) của thuyết kinh tế tân cổ điển,
ấy là một người luôn đưa ra những quyết định của mình một cách có lý, dựa
trên tất cả những thông tin mình có và độ thỏa dụng mình kỳ vọng. Các thí