lên, làm ta có cảm giác củ cu li tiếp tục mọc lông mới. Thật ra, đó vẫn là
hiện tượng vật lý đơn thuần như anh đã nói, chứ không phải mới mọc kiểu
sinh học.
Hạnh cười:
- Vậy mà trước đây em cứ tưởng có giống cu li thật.
- Sao lại tưởng? Cây lông cu li khác, còn con cu li vẫn có thật. Đó là một
loài động vật thuộc bộ khỉ. Con cu li chuyên đi kiếm ăn về đêm vì sợ ánh
sáng. Nó leo trèo giỏi, nhanh nhẹn chẳng kém gì khỉ. Chỉ ban ngày, cu li
chậm chạp, thường lùi vào hốc tối ngồi, đầu cúi gập, che mặt dưới tay, nên
miền ngược còn gọi là con xấu hổ.
Anh Thành nhổ thêm mấy cây lông cu li nữa, rồi giục Hạnh:
- Thôi, quá trưa rồi. Anh em mình mải nói chuyện, chị Nai Ngọc đói
bụng đó. Chúng mình kiếm chỗ nào chén đã !
Chị Nai Ngọc xua tay:
- Em nghe chuyện cũng vui rồi, chưa đói cái bụng mà. Anh Thành biết
các loài cây, các con thú hơn cả người làng Pút Sia đó.
Anh Thành lắc đầu:
- Nai Ngọc khen chẳng đúng đâu. Tôi còn phải đi nhiều, học nhiều. Rừng
Tây Nguyên nhiều cái lạ, cái hay, tôi mới biết rất ít thôi.
*
**
Ba người đi được già nửa chặng đường, thì đêm ở rừng đã sắp tràn xuống.
Chị Nai Ngọc nhanh nhẹn đeo chiếc túi vải nặng lên vai:
- Đêm nay, anh em mình phải tìm chiếc hang nào ngủ lại, mai đi tiếp
thôi.
- Gần đây có làng nào không, chị Nai Ngọc?
- Không có đâu. Mà đi tiếp, gặp con hổ, con báo đó, anh Thành ạ.
Anh Thành thoáng lo, nhưng vẫn đùa: