trùm lên khắp dải rừng núi.
Trẻ con làng Đăm khi có việc qua chỗ gốc muỗm thấy ông Kơ Bua
đứng lặng yên như hóa đá, đâm sợ. Trong bóng tối nhập nhoạng, thân hình
to khỏe của ổng lồ lộ như một bức tượng. Những lùm lá muỗm lao xao
trong gió. Bầy vượn, đàn khỉ đã nháo nhác về ổ. Con hươu, con nai vội vã
rời rừng sâu đến những trảng cỏ lưa thưa. Đàn trâu nhà về chuồng từ lâu,
chẳng còn những tiếng mõ lốc cốc, tiếng gõ móng trên đường làng.
Vậy mà ông Kơ Bua vẫn đứng đó, một tay giữ chặt ngọn giáo nhọn
hoắt, lạnh toát sương đêm, tay kia đặt trên một cành muỗm to như con trăn,
nằm soãi gần mặt đất. Trong bóng đêm chạng vạng, đôi mắt ông long lanh
sáng, nhìn rọi về phía bìa rừng xa. Không một ánh lửa, đằng sau là làng,
đằng trước là rừng cây chìm ngập trong âm u, sâu thẳm. Tiếng con lợn độc
rống lên trong đêm, tiếng con cọp vọng lại « cóp! cóp! ».
Ông Kơ Bua nhìn trân trân, đứng lặng lẽ như vậy đến tận khuya.
Không ai dám đến gần, nên không biết trên gò má ông đã giàn giụa nước
mắt. Càng về đêm, những tiếng gió xào xạc trên tùm lá muỗm càng buồn
tẻ, hoang vắng.
Có ai biết ông chờ đợi cái gì trong đêm vắng lặng này?
Buôn làng xôn xao hẳn lên. Hay ông Kơ Bua đổi tính, đổi nết, hóa dại sau
mỗi kỳ đi săn về. Ông Kơ Bua cũng chẳng hề biết, mỗi đêm ông đứng bên
gốc muỗm cổ thụ, lại có những đôi mắt của các bà, các cô gái buôn làng sợ
hãi nhìn qua khe cửa chăm chú ngó về phía ông. Đám thợ săn trong làng thì
thào với nhau:
- Ông Kơ Bua hỏng rồi! Độ một tuần trăng nay...
- Anh em mình phải kéo ông đi săn voi một buổi, cho ông nguôi cái
bụng.
- Thế còn thằng bé Đru, ai coi nó?
- Ờ, thằng Đru, thương quá thằng Đru. Từ dạo mẹ nó bị con hổ xám tha
đi, nó khóc đòi mẹ biết bao đêm, bao ngày. Nó quen theo mẹ địu lên rẫy,