Cơ Quân Đào rất muốn giải thích cho cô nghe, nhưng vì có bố và em gái
bên cạnh, không tiện tỏ ra thân mật nên đành phải rầu rĩ bỏ qua ý nghĩ này.
Cuối cùng Cơ Trọng Minh dừng lại trước một bức “Xuân”.
Ông xem cực kì chăm chú, hoàn toàn tập trung. Hoài Nguyệt cảm nhận
được sự xúc động của ông nên cũng chăm chú xem bức tranh đó.
Hình ảnh trong tranh là một gốc cây khô bị sét đánh gãy cực kì thảm hại,
lại trải qua sự đày đọa của mưa gió nên càng mục nát. Nhưng bây giờ bên
gốc cây khô đó lại có hai đôi chân, một đôi là chân phụ nữ, rất xinh xắn,
trắng không tì vết như bạch ngọc. Một đôi là chân em bé, mềm mại, mũm
mĩm, mỗi một ngón chân đều rất tròn trịa. Đôi chân này theo sát đôi chân
phía trước, vui vẻ và quyến luyến.
Bởi vì hai đôi chân này đẹp như vậy, dường như tất cả những gì đẹp đẽ
nhất, dịu dàng nhất, hồn nhiên nhất thế gian đều được dồn vào hai đôi chân
khiến người xem lại không để ý tới dáng người và khuôn mặt hai người đó.
Bước dưới giàn dưa, có thể hai người này đang hái dưa, cũng có thể đang
tưới nước, những chiếc lá xanh che khuất phần lớn vóc dáng họ nhưng
người xem vẫn cảm nhận được sự vui vẻ vô hạn của họ. Niềm vui này đã
lan đến gốc cây khô, dường như nó đang cố gắng tỉnh lại dưới ánh mặt trời.
“Quân Đào, tất cả các bức tranh của con trong triển lãm này cộng lại
cũng không bằng một bức này”. Cơ Trọng Minh cố gắng giữ cho giọng thật
bình tĩnh nhưng vẫn không thể giấu được một thoáng run rẩy: “Lần trước
bố nói sai rồi, bố nói tác phẩm của con còn khá hơn của bố lúc ba mươi lăm
tuổi, đó là vì bố chưa thấy bức tranh này”.
“Đây là bức tranh bác Diệp mới bồi xong và đưa tới sáng nay”. Cơ Quân
Dã giải thích: “Con đã dành vị trí này cho nó theo dặn dò từ trước của anh
Quân Đào”.