chính nghĩa đáng thương của mình, em muốn người nhà sống không bằng
chết sao?"
Lời này như lưỡi dao khoét vào lồng ngực Chân Ý, cô há miệng nhưng
không nói nên lời, giọt lệ rưng rưng khóe mắt.
Thôi Phỉ nện điện thoại di động vào tay cô: "Muốn báo cảnh sát thì em
báo đi, để tất cả mọi người tới chất vấn ông ngoại cũng được, coi như mấy
năm nay ông ngoại uổng công thương đứa cháu gái quý hóa này rồi!"
Cánh tay Chân Ý cứng đờ, một lúc lâu sau: "Em muốn gặp ông nội
trước."
Sau khi mắc chứng Alzheimer, ông nội còn bị mất ngủ. Chân Ý đẩy cửa
phòng ra, ông nội đang ngồi dưới ánh đèn bàn đọc truyện cổ tích Đôi giày
đỏ của Andersen. Cô nhẹ nhàng đi tới, ngồi xổm trước mặt ông, ngẩng đầu
lên, rưng rưng mỉm cười: "Ông nội?"
Dưới ánh đèn, cụ già mái đầu bạc phơ, trông rất mực hòa nhã dễ gần. Áo
khoác kiểu Tôn Trung Sơn của ông dính vết máu đã khô, nhìn chói mắt vô
cùng.
Ông nội tháo kính lão, kề sát vào cô, thấy rõ là cháu gái mình liền nở nụ
cười rạng rỡ: "Ý nhà chúng ta đã về rồi."
Ông bắt lấy tay Chân Ý kéo cô sang một bên, thầm thì kể bí mật như trẻ
con: "Ông nội chuẩn bị đồ ăn ngon cho con đây. Nếu con không tới thì bị
người khác cướp mất rồi."
Ông cụ thò tay lấy một nắm bánh ngọt nát bấy như bã đậu từ túi áo, hoa
quả, bơ, bánh ngọt, mứt quả lẫn lộn với nhau. Tay ông như vỏ cây khô cằn,
run rẩy cầm nắm bánh ngọt như nâng niu món ăn trân quý trên đời, dạt dào
niềm vui đưa tới trước mặt cô cháu gái yêu dấu, đôi mắt đầy nếp nhăn ngập
tràn tình yêu thương sâu sắc.