những câu đó với nó ! Em đã nghĩ cái quái gì mà lại viết như thế hả?”.
“Em không nghĩ là chị sẽ phải nói những câu ấy với anh Pearson. Em
không nghĩ là chị sẽ phải nói bất kì câu nào cả. Chị là người cuối cùng trên
đời này em sẽ chọn vào vai đấy”, Jane nói. Sự thực là khi viết vở Hai chị
em và sự hi sinh, em đã tưởng tượng ra chính mình trong vai Cầu Vồng. Đó
thật là một vai diễn huy hoàng.
“Chị phải làm gì bây giờ? Chị không biết chị có nhớ nổi tất cả những
câu về ngô lúa với lại sự hi sinh không nữa. Giá mà đó là số nguyên tố. Hay
các định lí hình học! Chị đã học thuộc lòng cả đống định lí hình học rồi.
Nghe này: Nếu cạnh huyền và cạnh góc vuông của một tam giác vuông tỉ lệ
- sao nhỉ? Chị quên mất rồi! Căng thẳng đã phá hỏng trí nhớ của chị rồi!”.
“Chị bình tĩnh lại đi. Tuyến xe buýt đang nhìn kìa”. Khi nói tuyến xe
buýt, Jane muốn ám chỉ Melissa, nó không những đang nhìn hai chị em
chằm chằm mà còn tìm cách nghe lỏm nữa.
“Chị có thể làm mình bị gãy chân. Đó là giải pháp đấy, Jane ạ. Chị sẽ
cố-tình-giả-vờ bị ngã khỏi mái gara và làm mình gãy chân. Họ sẽ không thể
bắt chị đóng kịch với cái chân gãy, phải không nào?”.
“Phải, nhưng chị cũng không thể đá bóng với cái chân gãy được”.
“Thế còn viêm phổi, sốt rét hay bệnh lao thì sao?”.
“Cũng thế thôi”. Tim Jane se lại khi thấy cô chị dũng cảm của em đã suy
sụp đến mức ấy. “Sẽ không tệ đến thế đâu mà, chị Skye. Em sẽ giúp chị học
lời thoại. Thôi, mình về nhà đi”.
Skye để cho Jane dẫn về nhà, vừa đi em vừa nhẩm tính xem bao nhiêu
người sẽ đến dự Hội diễn Văn nghệ Khối Sáu. Vì tất cả học sinh lớp sáu sẽ
tham gia hội diễn theo cách này hay cách khác, nên tấ cả gia đình của
chúng sẽ đến, có nghĩa là - ờ, bốn lớp sáu với mỗi lớp hai mươi sáu học
sinh, và nếu ít nhất là hai - không, có lẽ là ba - thành viên trong gia đình
của mỗi học sinh sẽ đến, cộng thêm cả các thầy cô giáo, cộng thêm cả một
số học sinh lớp năm nữa…
“Bốn trăm người”, em nói với giọng tang tóc. “Ít nhất sẽ có bốn trăm
người đến chứng kiến chị biến mình thành một con ngốc, một con ngốc
một trăm phần trăm”.