tuy không phải là mệt về thể xác. Cũng may mà bọn mình còn có dòng
sông để nó chở về nhà. Được một lần nữa tiếp xúc với ánh mặt trời và cảm
thấy nó ngấm vào tận xương tủy chẳng thú vị sao! Và cậu hãy lắng nghe
tiếng gió đùa trong đám sậy đi!”
“Nó giống như âm nhạc – âm nhạc xa xăm,” Chuột Chũi vừa nói vừa
gật đầu, vẻ ngái ngủ.
“Lúc nãy tớ cũng nghĩ thế,” Chuột Nước thì thào, giọng vừa mơ màng
vừa uể oải. “Nhạc khiêu vũ – cái loại nhạc trầm bổng liên hồi không bao
giờ dứt – nhưng trong đó lại có cả lời nữa – nó chuyển thành lời rồi lại
thoát ra khỏi lời ca – chốc chốc tớ lại nghe được – và rồi một lần nữa nó lại
là nhạc khiêu vũ, và sau đó chẳng còn gì ngoài tiếng thì thầm nhè nhẹ
mỏng manh của lau sậy.”
“Cậu thính tai hơn tớ,” Chuột Chũi buồn rầu nói. “Tớ không nghe được
những lời ca ấy.”
“Để tớ cố thuật lại cho cậu vậy,” Chuột Nước nhẹ nhàng nói, mắt nó vẫn
nhắm lại. “Lúc này nó lại biến thành lời rồi – khẽ nhưng mà rõ ràng – Để
niềm kính sợ đừng lưu lại – và khiến các con không dám nô đùa vì sợ hãi –
các con phải xem quyền năng của ta vào lúc ta giúp đỡ – Nhưng rồi nhất
thiết các con phải quên đi! Bây giờ đám lau sậy bắt đầu đồng thanh hưởng
ứng – quên đi, quên đi, chúng thở dài, và nhạc khúc tắt dần bằng tiếng xào
xạc và tiếng thì thầm. Rồi tiếng nói quay trở lại –
“Để chân các con khỏi bị xước da chảy máu – Ta sập cái bẫy mà người
ta đã đặt – Trong lúc ta tháo bẫy các con có thể thoáng thấy ta ở đó – Bởi vì
nhất thiết là các con sẽ phải quên đi! Hãy chèo lại gần hơn nữa, Chuột
Chũi, gần đám lau sậy hơn nữa đi! Khó nghe được lắm, mà nó cứ mỗi lúc
một nhỏ dần.