may là ai cũng nhận ra. Nó không thể chui vào gầm ghế ở một toa chở hành
khách ư? Trước kia nó đã thấy bọn học sinh sử dụng phương pháp này khi
khoản tiền đi đường mà các bậc phụ huynh chu đáo cung cấp đã bị chuyển
sang các mục đích khác thú vị hơn. Còn đang cân nhắc, nó bỗng thấy mình
đối diện với cái đầu tàu đang được viên lái tàu trìu mến tra dầu, lau chùi và
vuốt ve. Đó là một người đàn ông lực lưỡng, một tay xách can dầu, tay kia
nắm một túm vải vụn.
“Chào mẹ!” viên lái tàu nói, “Có chuyện rắc rối gì thế? Nom mẹ có vẻ
không được vui lắm.”
“Ồ, thưa ông!” thằng Cóc vừa nói vừa lại bắt đầu khóc lóc, “Tôi là một
bà thợ giặt nghèo khổ và bất hạnh. Tôi mất hết cả tiền và không thể trả tiền
mua vé. Tối nay bằng cách nào tôi cũng phải về đến nhà mà tôi chẳng biết
phải làm gì bây giờ. Trời ơi là trời!”
“Việc đó quả là gay đấy,” viên lái tàu trầm tĩnh trả lời. “Mất tiền –
không về nhà được – mà còn có vài đứa trẻ chờ đợi bà, tôi dám chắc là
thế?”
“Rất nhiều đứa cơ đấy,” thằng Cóc thổn thức. “Mà chúng nó sẽ bị đói,
sẽ nghịch diêm – và sẽ đánh đổ những cây đèn, cái lũ trẻ ngây thơ ấy! – và
còn cãi nhau và làm đủ chuyện nữa chứ. Ối trời ơi là trời!”
“Thôi được, tôi sẽ cho bà biết tôi sẽ làm gì,” viên lái tàu tốt bụng nói.
“Bà bảo bà làm nghề thợ giặt, ra là thế. Rất tốt, thế là được rồi. Còn tôi là
một viên lái tàu, như bà có thể thấy rõ, và không thể phủ nhận rằng đó là
một công việc bẩn thỉu kinh khủng. Nó ngốn của tôi hàng lô áo sơ mi khiến
bà xã nhà tôi giặt giũ đến mệt lử. Nếu khi về đến nhà, bà nhận giặt cho tôi
vài chiếc sơ mi rồi gửi cho tôi, thì tôi sẽ cho bà đi nhờ trên đầu máy của tôi.
Như thế là trái với nội quy của công ty, nhưng ở nơi xa xôi hẻo lánh này thì
chúng ta cũng chẳng nên quá câu nệ làm gì.”