(38) và Corsia (39) làm ăn buôn bán, và ta thật vui sướng khi được cảm
thấy làn gió mát và bụi nước biển trên mặt mình một lần nữa.”
“Nhưng ở mãi dưới hầm chứa hàng – bác gọi chỗ ấy là như thế thì phải
– lại không nóng bức và ngột ngạt lắm sao?” Chuột Nước hỏi.
Bác thủy thù hơi hấp háy mắt nhìn nó. “Ta là một tay lão luyện,” bác ta
bình luận rất giản dị, “ca-bin của thuyền trưởng đối với ta tốt chán.”
“Cuộc sống đó thật vất vả, mọi người đều cho là như vậy,” Chuột Nước
lẩm bẩm, chìm đắm suy tư.
“Đối với đám thủy thủ thì thế,” bác thủy thủ nghiêm giọng nói, mắt lại
hơi hấp háy.
“Từ Corsia,” bác ta nói tiếp, “ta sử dụng một con tàu chở rượu vang vào
đất liền. Bọn ta đến Alassio (40) vào buổi tối, thả neo, lôi những thùng
rượu vang ra rồi ì ạch khiêng chúng qua mạn tàu, buộc chúng lại với nhau
bằng một sợi thừng dài. Sau đó đám thủy thủ bắt đầu lên những chiếc
thuyền và chèo vào bờ, vừa chèo vừa hát, và kéo theo sau cả cái đám rước
của những thùng rượu bập bềnh như một đàn cá heo dài dằng dặc. Trên bãi
biển đã có những con ngựa chờ sẵn, chúng kéo những thùng rượu này
ngược lên con phố dốc đứng của thị trấn nhỏ bé đó, cứ hối hả lọc cọc trèo
lên đến là hay. Khi thùng rượu cuối cùng đã vào bờ, bọn ta bỏ đi vui chơi
và nghỉ ngơi, và vừa thức đến khuya vừa uống rượu với bạn bè; và sáng
ngày hôm sau ta rời đến khu rừng ôliu rộng lớn để sống và nghỉ ngơi một
thời gian. Bởi khi ấy ta đã chán những hòn đảo cùng biết bao bến cảng và
thuyền bè rồi; thế là ta sống một cuộc sống biếng nhác giữa những người
nông dân, cứ nằm mà xem họ làm việc, hoặc nằm dài trên sườn đồi cao vút
trên mặt Địa Trung Hải xanh lơ. Thế rồi sau một thời gian dài, cứ đi từng
chặng ngắn một, lúc thì đi bộ, lúc thì đi tàu thủy, ta tới Marseilles (41), gặp
gỡ các bạn cũ cùng làm việc trên tàu, viếng thăm những tàu lớn sắp sửa ra
khơi trên đại dương, và lại tiệc tùng một lần nữa. Bàn tán về tôm, cua, sò,