thỏ khi mà bà có cả một viễn cảnh vui mừng phía trước. Bà sẽ thấy là tôi có
cả một đống đồ trong góc ca-bin kia kìa. Chỉ cần bà lấy ra một hoặc hai cái
thuộc loại cần thiết nhất – tôi chẳng dám mạo muội mô tả chúng với một
phụ nữ như bà, nhưng chỉ nhìn qua là bà sẽ nhận ra ngay – và ngâm chúng
vào cái chậu mà giặt trong lúc chúng ta còn đang tiếp tục hành trình, chà,
đó sẽ là một niềm vui cho bà, như bà đã khẳng định, và là một sự giúp đỡ
thật sự đối với tôi. Khi đó bà sẽ vui vẻ, còn hơn là cứ ngồi không ở đây mà
ngắm nhìn phong cảnh và ngáp ngắn ngáp dài.”
“Này, bà để tôi lái đi!” thằng Cóc nói, lúc này đã hoàn toàn phát hoảng,
“để bà có thể tiến hành việc giặt giũ theo cách riêng của bà. Tôi có thể làm
hỏng đồ của bà, hoặc là không giặt được thật vừa ý bà. Bản thân tôi quen
với đồ của các quý ông hơn. Đó là khu vực kinh doanh của tôi mà.”
“Để bà lái ư?” bà lái xà lan vừa đáp vừa cười to. “Cần phải tập luyện
đôi chút mới lái được một chiếc xà lan cho đúng cách. Hơn nữa, việc này
rất nhàm chán, và tôi lại muốn bà được vui vẻ. Không, bà sẽ phải làm cái
việc giặt giũ mà bà rất ưa thích, còn tôi thì cứ duy trì việc lái xà lan mà tôi
am hiểu. Đừng tìm cách tước đoạt của tôi cái hân hạnh được dành cho bà
một niềm vui đấy!”
Thằng Cóc bị dồn vào chân tường khá là bức bách. Nó nhìn quanh tìm
cách chạy trốn và thấy rằng nó cách bờ sông quá xa nên không thể thực
hiện một cú nhảy xa, thôi đành rầu rĩ phó mặc cho số phận. “Đã đến nước
này,” nó nghĩ trong tuyệt vọng, “thì một thằng ngốc cũng có thể giặt!”
Nó đi lấy chậu, xà phòng và các thứ cần thiết khác trong ca-bin, chọn
bừa vài thứ quần áo, cố nhớ lại những gì nó đã tình cờ nhìn thấy qua các
cửa hàng thợ giặt, và bắt tay vào việc.
Nửa giờ đồng hồ đằng đẵng trôi qua, suốt thời gian đó thằng Cóc mỗi
lúc càng thêm cáu kỉnh. Nó không làm nổi điều gì khiến cho mớ quần áo đó
hài lòng hoặc dễ chịu. Nó cố dỗ ngon dỗ ngọt, cố đập mạnh, cố đấm; bọn