chúng vẫn cứ trơ ra trong cái chậu và mỉm cười với nó, tỏ ra sung sướng vì
cái tội không tuân lệnh bẩm sinh của mình. Một đôi lần nó bồn chồn ngoái
lại qua bờ vai để nhìn bà lái xà lan, nhưng bà ta rõ ràng vẫn đang chằm
chằm nhìn về phía trước, mải mê với công việc của mình. Lưng nó đau ê
ẩm, và nó thảng thốt nhận ra rằng hai bàn tay mình đang bắt đầu trở nên
nhăn nheo khắp lượt. Lúc này thằng Cóc đang hãnh diện vì đôi bàn tay của
mình. Nó khẽ lẩm bẩm những lời mà cả các bà thợ giặt lẫn những con cóc
cũng chẳng bao giờ nên nói ra ngoài miệng, và rơi mất cục xà phòng đến
lần thứ năm mươi.
Một tràng cười rộ khiến nó ngồi thẳng người lên và nhìn quanh. Bà lái
xà lan đang ngả người ra đằng sau mà cười như nắc nẻ, cho tới khi những
giọt nước mắt chảy ròng ròng xuống đôi má.
“Nãy giờ tao vẫn luôn theo dõi mày,” bà ta hổn hển. “Bằng vào cái cách
ăn nói tự cao tự đại của mày, tao đã nghĩ mày đúng là đồ bịp bợm. Thợ giặt
à, đẹp mặt nhỉ! Cả đời chẳng giặt nổi một cái khăn lau bát, tao đánh cuộc là
thế!”
Cái tính dễ cáu của thằng Cóc đã âm ỉ dữ dội một lát, lúc này sôi lên
sùng sục, và nó không kiềm chế nổi mình nữa.
“Mụ lái xà lan tầm thường, hèn hạ và béo ị kia!” nó quát lên; “mụ dám
ăn nói như thế với những người cao sang hơn mình ư? Ta mà là thợ giặt! Ta
muốn cho mụ biết ta là Cóc, một chàng Cóc rất nổi tiếng, đàng hoàng và
khả kính. Có thể bây giờ ta đang hơi thất thế một chút, nhưng ta không chịu
để cho một mụ lái xà lan cười nhạo đâu!”
Người đàn bà tiến lại gần nó và nhìn nó thật kỹ và soi mói dưới vành
mũ của nó. “Chà, ra là thế!” bà ta kêu to. “Chà, một thằng Cóc gớm chết,
đáng ghét và nịnh bợ! Thế mà lại ở trên cái xà lan sạch sẽ của tao! Bây giờ
thì tao sẽ tống khứ mày đi!”