Cuối cùng, công ty đã âm thầm thực hiện những ý tưởng thiếu sáng tạo
khi lặp lại huyền thoại mà các ngành công nghiệp văn hóa đã tạo ra. Về cơ
bản, một chính sách như vậy đã từ bỏ quyền kiểm soát thương hiệu cho các
ngành công nghiệp văn hóa. Harley rất may mắn khi việc từ bỏ này hóa ra
lại tốt đẹp, nhưng đây chỉ thuần túy là ăn may. Các ngành công nghiệp văn
hóa có thể dễ dàng mất đi sự hứng thú hoặc tạo ra những câu chuyện bất lợi
cho huyền thoại của thương hiệu.
Tuy nhiên, sang thập niên 1990, HDC đã trở nên tinh vi hơn trong các
hoạt động xây dựng thương hiệu văn hóa. Thay vì chống lại hay lặp lại như
vẹt các văn bản văn hóa quan trọng, công ty bắt đầu điều chỉnh những văn
bản này để định hình huyền thoại cho phù hợp nhất với khách hàng của
mình. Chẳng hạn, hình ảnh túp lều đơn độc đã gắn những sự kiện đương
thời, có liên quan với huyền thoại của Harley theo cách thức mà tấm hình
của một phóng viên ảnh không thể truyền tải được. Tương tự, việc sử dụng
Người Bảo Vệ Mộ Đạo trong các sự kiện của Harley cũng củng cố ý kiến
cho rằng Harley đã chủ động chiến đấu cho công cuộc khôi phục nước Mỹ
truyền thống, chứ không chỉ bắt chước các ngành công nghiệp văn hóa (ví
dụ, chiếu bộ phim Tay lái nổi loạn cho những người tham dự liên hoan
phim).