mảng màu sắc; đây là các văn phòng và phòng học tập chính trị. Những
chiếc cửa sổ bé nhất trên cùng của tòa nhà thuộc về khu phòng ngủ tập thể
của phạm nhân và căng tin.
Tòa nhà chính tạo thành hình móng ngựa quanh tòa nhà nhỏ hơn được
sử dụng làm khu nhà nghỉ của cán bộ trại giam và các phòng điều hành. Có
hai điều ở nhà giam nữ tỉnh Hồ Nam này khiến tôi có cảm giác khác so với
các nhà tù khác là: thứ nhất, tường nhà giam bám đầy rêu và địa y xanh
thẫm bởi khí hậu ở phía Tây tỉnh Hồ Nam rất ẩm ướt; thứ hai, cảm giác kỳ
lạ khi thấy các công an nữ quát tháo nữ tù nhân. Cuộc sống, tình yêu, sự
đau khổ và niềm vui của những người phụ nữ trong bộ cảnh phục không thể
khác biệt quá mức so với những người phụ nữ trong bộ áo tù nhân đến thế.
Lá thư giới thiệu của cảnh sát trưởng Mai có tác dụng như một chỉ dụ
quyền uy; sau khi đọc xong, người quản lý trại giam bố trí ngay cho tôi một
phòng phỏng vấn riêng tư để tôi gặp riêng Hoa Nhi, người tù mà ông Mai
đã giới thiệu.
Hoa Nhi là một người đàn bà mảnh dẻ tầm tuổi tôi. Cô ta cứ ngọ ngoạy
liên tục dưới bộ quần áo tù như thể đang đấu tranh với thân phận không
chút quyền lực của mình. Dù tóc của cô đã bị cắt bởi bàn tay không chuyên
nào đó và trông lởm chởm chẳng ra lề lối gì cả, song nó lại khiến tôi nhớ
tới những kiểu tóc kỳ lạ mà các hiệu cắt tóc đang tạo ra. Cô ta xinh đẹp,
nhưng vẻ mặt kín bưng, khó đăm đăm của cô thì giống như vết rạn trên một
mảnh sứ tạo tác tinh vi.
Tôi không hỏi chi tiết về tội trạng của cô ta, hay tại sao cô ta vi phạm
luật cấm sống như vợ chồng ngoài giá thú hết lần này đến lần khác, mà chỉ
hỏi xem cô ta có thể nói về gia đình mình không.
“Cô là ai?” cô ta vặn lại. “Cô có gì đặc biệt mà tôi phải kể?”
“Vì cô cũng giống như tôi, chúng ta đều là phụ nữ, và chúng ta cùng trải
qua những thời kỳ như nhau,” tôi đáp chậm rãi và rành rọt, nhìn thẳng vào
mắt cô ta.
Nghe vậy Hoa Nhi im lặng giây lát.
Rồi cô ta hỏi bằng một giọng giễu cợt, “Nếu vậy, cô có nghĩ rằng cô sẽ
chịu đựng nổi nếu tôi kể cho cô nghe chuyện của tôi không?”