Đến lượt tôi không nói được gì. Câu hỏi của cô ta thật tháu cáy: thực ra
liệu tôi chịu đựng được không? Lẽ nào tôi không còn phải gắng sức quên đi
những ký ức đau buồn của chính mình?
Hoa Nhi nhận thấy cô ta đã đánh trúng đích. Cô ta tự mãn bảo người
giám tù mở cửa để mình trở lại phòng giam. Người giám tù ném cho tôi
một cái nhìn dò hỏi và tôi gật đầu không suy nghĩ. Khi loạng choạng trở về
khu văn phòng cán bộ nơi tôi ngủ tối hôm đó, tôi đắm mình vào những ký
ức. Dù cố gắng đến mấy tôi cũng chưa bao giờ ra khỏi cơn ác mộng thời
thơ ấu.
Tôi sinh năm 1958, ở Bắc Kinh, khi Trung Quốc trong thời kỳ nghèo
nhất, khẩu phần ăn một ngày chỉ có một ít đậu nành. Trong khi những đứa
trẻ khác trạc tuổi tôi phải chịu lạnh chịu đói thì tôi được ăn sôcôla ngoại
trong nhà bà ngoại tôi ở Bắc Kinh, trên sân có trồng hoa và ríu rít tiếng
chim. Nhưng Trung Quốc chuẩn bị san bằng sự khác biệt giàu nghèo theo
đường lối chính trị độc nhất vô nhị của nó. Những đứa trẻ từng phải vật lộn
với nghèo đói và túng thiếu được dịp hắt hủi và làm nhục tôi; sự giàu có về
vật chất tôi từng được hưởng nhanh chóng trở nên bất đối trọng với những
dày vò về mặt tinh thần. Kể từ đó tôi hiểu ra rằng cuộc sống có nhiều điều
còn quan trọng hơn cả sôcôla.
Khi tôi còn nhỏ, ngày nào bà cũng chải đầu và tết tóc cho tôi sao cho
bím tóc phải thẳng thớm và đều đặn, rồi bà thắt dải lụa thành hình nơ bướm
ở đuôi mỗi bím tóc. Tôi thích những bím tóc của mình lắm và cứ ngúng
nguẩy cái đầu đầy hãnh diện để khoe trong khi đi bộ hay chơi đùa. Khi đi
ngủ, tôi không để bà cởi dải lụa ra mà cẩn thận đặt hai bím tóc sang hai bên
gối. Thỉnh thoảng, nếu thức dậy vào buổi sáng mà thấy hai chiếc nơ đã bị
tháo ra là tôi sẽ sậm si hỏi ai đã làm hỏng nơ của tôi.
Cha mẹ tôi ở một doanh trại quân đội gần Vạn Lý Trường Thành. Khi
lên bảy, tôi tới sống với họ lần đầu tiên kể từ khi chào đời. Tôi đến được
gần hai tuần thì nhà tôi bị Hồng Vệ Binh lục soát. Họ nghi ngờ cha tôi là
một kỹ sư phản động đầu sỏ vì ông là thành viên của Hiệp Hội Kỹ Sư Cơ
Khí Bậc Cao Trung Quốc và là một chuyên gia về cơ điện. Ông cũng bị
xem là con chó theo chân Đế Quốc Anh vì cha ông từng làm việc cho công