phản động của gia đình mình. Trong căng tin, chúng tôi được nhận khẩu
phần ăn sau cùng vì ông nội chứng tôi từng giúp bọn đế quốc Anh Mỹ cướp
miếng ăn khỏi miệng của người Trung Quốc và tước quần áo khỏi lưng
người Trung Quốc.
Ngày ngày chúng tôi bị điều khiển bởi những mệnh lệnh hai Hồng Vệ
Binh quát vào tai:
“Ra khỏi giường!”
“Đến lớp!”
“Ra căng tin!”
“Học Những Lời Dạy Của Mao Chủ Tịch!”
“Đi ngủ!”
Không có gia đình bảo vệ, chúng tôi tuân theo một lịch trình máy móc
hết ngày này qua ngày khác, không một nụ cười, không một trò chơi hay
tiếng cười đùa của tuổi thơ. Chúng tôi tự làm việc nhà, lũ trẻ lớn hơn dạy
những đứa bé hơn giặt giũ, rửa mặt mũi chân tay; chúng tôi được tắm một
tuần một lần. Đêm đến chúng tôi - cả trai lẫn gái - chen chúc ngủ chung với
nhau trên đệm rơm.
Niềm an ủi nhỏ nhoi của chúng tôi nằm trên đường tới căng tin. Không
ai nói chuyện hay cười ở đó, nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài người tốt
bụng lén giúi cho chúng tôi những gói thức ăn.
Một hôm, tôi dắt em trai tôi, lúc ấy mới chưa đầy ba tuổi, tới đứng cuối
hàng người trước căng tin, vốn dĩ luôn luôn dài. Đó hẳn là một ngày quốc
lễ vì lần đầu tiên thịt gà rán được đưa ra bán, và mùi thơm hấp dẫn tỏa
khắp. Nước miếng tôi tứa ra; từ lâu lắm rồi chúng tôi chưa được ăn gì ngoài
thức ăn thừa, nhưng chúng tôi biết món gà quay sẽ không dành cho chúng
tôi.
Em trai tôi đột nhiên òa khóc, kêu toáng lên là nó muốn ăn gà quay. Sợ
tiếng khóc của thằng bé sẽ làm Hồng Vệ Binh tức giận mà đuổi chúng tôi
ra ngoài, không cho đồ ăn nữa, tôi cố hết sức dỗ nó nín khóc. Nhưng nó vẫn
cứ khóc, càng lúc càng khổ sở; tôi bối rối đến độ cũng suýt khóc.
Đúng lúc đó, một người phụ nữ trông có vẻ giống một bà mẹ đi qua. Bà
xé một miếng thịt gà quay từ phần của mình đưa cho em trai tôi và bước đi