xung quanh anh đều nghèo, vì vậy một chiếc áo khoác chần bông cho mùa
đông là cũng an ủi lắm rồi.
Dù Ân Đạt chắc phải lớn hơn tôi tầm năm hay sáu tuổi nhưng chúng tôi
vẫn học cùng lớp ở trường quân sự. Trong suốt thời kỳ Cách Mạng Văn
Hóa, hầu như mọi cơ quan giáo dục đều ngừng hoạt động; chỉ có các
trường phổ thông và đại học của quân đội được phép tiếp tục đào tạo lớp trẻ
vì lý do bảo vệ tổ quốc. Để thể hiện sự ủng hộ đối với nông dân và công
nhân trong thành phố nơi doanh trại quân đội của chúng tôi đóng quân,
trường tôi sắp xếp để trẻ em ở địa phương được đi học cùng với lũ trẻ trong
quân đội. Nhiều đứa trẻ đã mười bốn mười lăm khi mới bắt đầu học tiểu
học.
Nếu Ân Đạt ở gần khi tôi bị lũ trẻ xuất thân từ những gia đình Đỏ đánh,
nhổ bọt hay réo tên chửi, anh sẽ luôn đứng về phía tôi. Thỉnh thoảng, khi
thấy tôi khóc ở trong một góc nào đó, anh sẽ bảo đám Hồng Vệ Binh là anh
đưa tôi tìm hiểu người nông dân và dẫn tôi đi một vòng quanh thị trấn. Anh
sẽ chỉ cho tôi những căn nhà của những người rất nghèo và bảo tôi điều gì
làm những con người đó hạnh phúc, mặc dù còn xa họ mới kiếm được một
trăm tệ một năm. Giờ giải lao, Ân Đạt đưa tôi lên ngọn đồi đằng sau trường
để ngắm cây cối và cây trồng đang ra hoa ở đó. Có nhiều cây cùng loại trên
thế giới này, anh bảo vậy, nhưng không có hai lá giống y hệt nhau. Anh bảo
tôi rằng sự sống rất quý giá và nước tạo ra sự sống bằng cách cho đi chính
mình.
Anh hỏi tôi thích thị trấn có doanh trại quân đội này ở điểm nào. Tôi bảo
tôi không biết, chẳng có gì để thích cả; nó chỉ là một nơi nhỏ bé, tồi tàn, vô
vị, tràn ngập thứ khói chết ngạt của những bếp củi và những con người đi
lại trong áo khoác rách và những chiếc sơmi tả tơi. Ân Đạt dạy tôi nhìn và
nghĩ về mỗi ngôi nhà trong thị trấn một cách cẩn thận, ngay cả những căn
nhà được ghép bằng phế liệu. Ai sống trong những căn nhà đó? Họ làm gì
trong đó? Họ làm gì bên ngoài? Tại sao cánh cửa đó lại khép hờ? Liệu có
phải gia đình đó đang chờ ai hoặc do họ đã quên đóng cửa? Việc họ quên
khuấy đi như vậy sẽ mang đến hệ quả gì?