CHƯƠNG 13
NGƯỜI PHỤ NỮ KHÔNG ĐƯỢC CHA
NHẬN RA
Suốt đêm đầu tiên ở Trại giam nữ Tây Hồ Nam, tôi không dám chợp mắt
vì sợ những giấc mơ hãi hùng cứ trở đi trở lại. Nhưng ngay cả khi mở mắt,
tôi cũng không thể gạt những hình ảnh hồi nhỏ ra khỏi đầu. Trời rạng, tôi tự
nhủ phải để quá khứ lại sau lưng và tìm cách làm cho Hoa Nhi tin tưởng
mình để chia sẻ câu chuyện của cô với những người phụ nữ khác. Tôi hỏi
người quản tù liệu tôi có thể nói chuyện với Hoa Nhi lần nữa trong phòng
thẩm vấn không.
Khi cô vào, sự hờn dỗi và thách thức của ngày hôm trước đã tan biến và
gương mặt cô hằn sâu nỗi đau khổ. Từ cái nhìn đầy ngạc nhiên của cô, tôi
đoán trông tôi cũng khác sau một đêm bị ký ức giày vò.
Hoa Nhi bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách kể cho tôi chuyện mẹ cô đã
chọn tên cho cô, chị cô và các em trai của cô như thể nào. Mẹ cô bảo rằng
mọi vật trong thế giới tự nhiên đều phải đấu tranh để dành được chỗ đứng
của mình, nhưng cây, núi và đá là những thứ mạnh nhất, vì thế bà đã gọi cô
con gái đầu là Thụ (cây), con trai đầu là Sơn (núi) và con trai thứ là Thạch
(đá). Một cây ra hoa sẽ đậu quả, còn hoa trên núi hay trên đá thì sẽ làm đẹp
cho núi, cho đá, vì vậy Hoa Nhi được gọi là Hoa (hoa).
“Mọi người bảo tôi là xinh nhất nhà... có lẽ vì tôi tên là Hoa.”
Tôi xúc động trước tính thơ của những cái tên đó và thầm nghĩ mẹ Hoa
Nhi hẳn phải là một người rất hiểu biết. Tôi rót cho Hoa Nhi một cốc nước
nóng từ chiếc phích trên bàn. Cô ấp lấy nó bằng cả hai tay, nhìn chăm chăm
vào làn khói bốc lên từ đó, và lẩm bẩm khe khẽ, “Cha mẹ tôi là người
Nhật.”