Tôi sửng sốt trước thông tin đó. Không hề có một ghi chép nào về điều
này trong hồ sơ phạm tội của Hoa Nhi.
«Họ đều dạy ở trường đại học và chúng tôi được đối xử đặc biệt. Những
gia đình khác phải sống chung trong một căn phòng, nhưng nhà tôi thì có
tới hai phòng. Cha mẹ tôi ngủ trong phòng nhỏ còn chúng tôi ngủ ở phòng
lớn. Chị Thụ tôi thường đưa anh Sơn và tôi tới nhà các bạn chơi. Cha mẹ
họ rất tử tế với chúng tôi, họ hay cho chúng tôi đồ ăn vặt để nhấm nháp và
bảo chúng tôi nói cho họ nghe tiếng Nhật. Tôi còn rất bé nhưng tiếng Nhật
của tôi rất tốt và tôi thích dạy cho những người lớn đó chút vốn từ. Những
đứa trẻ khác chén sạch đồ ăn trong khi tôi nói cho họ nghe, nhưng chị tôi
luôn để dành cho tôi một ít. Chị che chở cho tôi.»
Mặt Hoa Nhi sáng lên.
«Cha tôi rất tự hào về chị Thụ vì chị ấy học hành giỏi giang. Cha tôi bảo
chị ấy có thể giúp ông trở nên sáng suốt hơn. Mẹ tôi cũng khen chị tôi là
con gái ngoan vì chị luôn để ý chăm sóc tôi và anh Sơn để mẹ có thời gian
chuẩn bị bài vở và chăm sóc em Thạch lúc đó mới ba tuổi. Chúng tôi vui
nhất là khi được chơi với cha. Ông mặc quần áo giả trang thành người khác
khiến chúng tôi cười bò ra. Thỉnh thoảng ông giả làm Ông Già Vác Núi
trong truyện cổ tích Nhật Bản, và ông cõng cả bốn anh em tôi trên lưng.
Chúng tôi đè lên ông cho đến khi ông thở hổn hển, nhưng ông vẫn tiếp tục
cõng chúng tôi, kêu lên: “Tôi... đang vác... núi!"
Thỉnh thoảng ông choàng khăn của mẹ tôi quanh đầu giả làm Bà Ngoại
Sói trong câu chuyện cổ tích của Trung Quốc. Mỗi khi ông chơi trốn tìm
với chúng tôi, tôi lại rúc vào trong chăn và hét lên một cách hồn nhiên,
“Hoa Nhi không có trong chăn đâu!”
Ông trốn rất kỹ. Có lần ông còn trốn trong một cái vựa thóc to. Khi ông
chui ra, người ông đầy bột ngô, kiều mạch và gạo.»
Hoa Nhi cười khi nhớ lại hồi ức đó và tôi cũng cười theo.
Cô nhấp ngụm nước, nhấm nháp.
«Chúng tôi rất hạnh phúc. Nhưng sau đó, năm 1966, cơn ác mộng bắt
đầu. Những ngọn lửa nhảy múa đánh dấu sự chấm dứt tuổi thơ hạnh phúc
của tôi xuất hiện trước mắt.»