Giọng Hoa Nhi xua đi hình ảnh đó.
«Một chiều hè, cha mẹ tôi đã đi làm và tôi đang làm bài về nhà dưới sự
giám sát của chị Thụ còn em trai út ngồi chơi đồ chơi. Đột nhiên, chúng tôi
nghe thấy tiếng hô khẩu hiệu nhịp nhàng vang dội bên ngoài. Hồi đó người
lớn vẫn luôn luôn hô khẩu hiệu hay quát tháo, vì vậy chúng tôi cũng không
để ý gì lắm. Âm thanh đó ngày một gần, cho đến khi nó ở ngay ngoài cửa
nhà tôi. Một nhóm thanh niên đứng ngoài đó hô lên, “Đả đảo lũ chó theo
chân đế quốc Nhật! Tiêu diệt lũ gián điệp ngoại quốc!"
Chị tôi đã xử sự như một người lớn. Chị mở cửa và hỏi đám học sinh,
cũng tầm tuổi chị, “Các người làm gì thế hả? Cha mẹ chúng tôi không có
nhà."
Một cô gái đứng đằng trước đám đông nói, “Nghe đây, lũ mất nết, cha
mẹ chúng mày là gián điệp của đế quốc Nhật. Chúng đã bị giai cấp vô sản
khống chế. Chúng mày phải cắt đứt mọi quan hệ với chúng và khai báo
những hoạt động gián điệp của chúng!"
Cha mẹ tôi, gián điệp! Trong những bộ phim tôi đã xem, gián điệp luôn
luôn là những kẻ xấu xa. Nhận thấy tôi sợ hãi thế nào, chị gái tôi vội đóng
cửa lại và đặt tay lên vai tôi. “Đừng sợ. Chờ bố mẹ về rồi mình sẽ kể với bố
mẹ”, chị bảo vậy.
Anh trai tôi đã mấy lần bảo muốn tham gia Hồng Vệ Binh. Lúc đó anh
ấy nói khẽ. “Nếu họ là gián điệp, anh sẽ tới Bắc Kinh để tham gia cách
mạng chống lại họ".
Chị gái tôi lườm anh và bảo, “Đừng có nói vớ vẩn!"
Khi đám học sinh ngừng hò hét trước cửa nhà tôi thì trời cũng đã tối.
Sau này, ai đó bảo tôi là đám người đó định khám nhà nhưng không dám vì
thấy chị gái tôi đứng ngay ngưỡng cửa bảo vệ ba đứa tôi. Hình như lãnh
đạo Hồng Vệ Binh đã mắng chúng một trận tơi bời vì thế.»
“Chúng tôi không gặp lại cha một thời gian dài.” Mặt Hoa Nhi lạnh
băng.
«Suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, bất kỳ người nào xuất thân từ gia
đình giàu có; được học cao, là một chuyên gia hay học giả, có những mối
quan hệ với nước ngoài hay từng làm việc trong chính quyền trước năm