cùng, cô vỗ nhẹ vào đầu tôi trìu mến, bảo, “Đừng lo, có thể mẹ em sẽ được
về nhà sớm hơn".
Không lâu sau, mẹ tôi bắt đầu về nhà sớm hơn thật. Bà về nhà ngay
trước lúc chúng tôi bắt đầu chuẩn bị đi ngủ. Chúng tôi có thể thấy rằng bà
đã thay đổi nhiều: bà nói rất ít, và đi lại rất khẽ khàng; hình như bà sợ làm
xáo trộn niềm tin của chúng tôi ở bà và cha chúng tôi. Anh trai tôi, vốn có
cá tính mạnh, lúc đó không còn dám tranh luận với mẹ về chuyện đi Bắc
Kinh để trở thành Hồng Vệ Binh của Mao Chủ Tịch nữa. Dần dần, cuộc
sống cũng bình thường trở lại. Một hôm tôi nghe thấy mẹ nói trong tiếng
thở dài, “Nếu cha con cũng có thể trở về..."
Không ai trong chúng tôi thấy hạnh phúc khi nghĩ tới chuyện gặp lại
cha. Chúng tôi yêu ông, nhưng nếu ông là một gián điệp thì chúng tôi sẽ
vẫn phải từ bỏ ông. Một thời gian sau, vào mùa thu năm 1969, chị tôi bị
yêu cầu phải tham gia một nhóm học buổi tối để làm cho chị có lập trường
vững chắc sau khi cha tôi được thả, và tạo một đường ranh dứt khoát giữa
cha tôi với chúng tôi.
Buổi tối đi học nhóm đầu tiên, chị gái tôi về rất muộn. Mẹ tôi chờ đợi
sốt ruột bên cửa sổ, đứng ngồi không yên. Tôi cũng không ngủ được, vì tôi
háo hức được biết nhóm học tập đó thế nào. Hồng Vệ Binh chỉ cho những
ai có tư tưởng cách mạng vào nhóm đó thôi. Tôi biết sau khi một số người
tham gia vào đó, họ không còn bị thẩm vấn nữa, nhà họ cũng không còn bị
khám xét nữa và những người trong gia đình họ bị bắt giam cũng được thả
ra. Liệu cha tôi có được sớm trở về không nhỉ?
Mẹ tôi đưa tôi vào giường, tôi dụi mắt liên tục và đặt ngòi bút lên trên
gối để mình khỏi ngủ mất. Cuối cùng, tôi nghe thấy tiếng bước chân và
giọng nói nhỏ của một người đàn ông bên ngoài cửa sổ, nhưng không nghe
rõ anh ta nói gì. Khi chị tôi bước vào phòng, mẹ tôi chạy choàng đến và
hỏi, “Thế nào rồi?" Giọng bà đầy lo sợ.
Chị Thụ lặng lẽ nằm xuống, để nguyên quần áo. Khi mẹ cố giúp chị cởi
đồ, chị gạt mẹ ra, quay đi và quấn chặt mình trong chăn.
Tôi rất thất vọng. Chúng tôi đã thức chờ đợi quá lâu mà chẳng được gì.