tôi muốn viết phóng sự về những người phụ nữ ở Đồi Hét. Những người
này, thậm chí không viết nổi tên mình nhưng lại xem mình như những
người có văn hóa, lắc đầu, sửng sốt. “Đàn bà thì có gì để mà viết?”
Tôi vẫn kiên trì đeo đuổi, vì vậy cuối cùng họ cũng phải xiêu lòng. Với
họ, tôi cũng chỉ là một người đàn bà chẳng hiểu biết gì, chỉ đơn thuần đi
theo đám đàn ông, cố gắng gây ấn tượng bằng sự mới lạ. Thái độ của họ
không khiến tôi bực mình. Kinh nghiệm nhiều năm làm báo đã dạy tôi rằng
tiếp cận với nguồn thông tin quan trọng hơn chuyện người khác đánh giá
mình thế nào.
Lần đầu nghe thấy cái tên “Đồi Hét” tôi đã cảm thấy một niềm phấn
khích không tên và linh cảm rằng chuyến đi của tôi là tiền định. Cái tên gợi
nghĩ tới một nơi ồn ào, rộn ràng bùng nổ sự sống, hoàn toàn trái ngược với
thực tế. Ngọn đồi Hoàng Thổ đứng giữa khung cảnh chỉ có đất, cát và đá
trơ trụi, không có một dấu hiệu nào của cuộc sống có nước chảy hay cây
trồng. Con bọ cánh cứng nhỏ xíu hiếm hoi vụt qua hối hả như đang chạy
trốn khỏi vùng đất cằn cỗi.
Đồi Hét nằm ở lưng chừng vùng đất sa mạc đang xâm lấn cao nguyên
Hoàng Thổ này. Quanh năm, gió thổi không ngừng, như nó vẫn thổi cả
nghìn năm nay. Trong bão cát thường khó mà nhận ra nổi cái gì cách mình
vài bước, và những người làm lụng trên đồi phải hét lên mới nói chuyện
được với nhau. Vì lý do đó, người dân ở Đồi Hét nổi tiếng có giọng to và
vang dội; không ai có thể khẳng định rằng có phải đó là lý do Đồi Hét
mang cái tên như vậy hay không, nhưng với tôi nó cũng khá giống một lý
do. Đồi Hét là một nơi hoàn toàn tách biệt với thế giới hiện đại: có chừng
mười đến hai mươi gia đình với bốn dòng họ sống trong một khu định cư
dạng hang nhỏ, thấp. Phụ nữ chỉ được đánh giá bởi tính hữu dụng: như
những cái máy đẻ, họ là thứ đồ quý giá nhất để trao đổi trong cuộc sống
của dân làng. Những người đàn ông chẳng ngần ngại đổi hai hay ba đứa
con gái lấy một người vợ ở làng khác. Gả một người phụ nữ trong nhà cho
người làng khác để đổi lấy một người vợ về cho một người đàn ông trong
nhà mình là tục lệ phổ biến nhất, vì thế hầu hết những người phụ nữ ở Đồi
Hét là người ngoài làng. Sau khi trở thành mẹ, tới lượt họ bị bắt phải từ bỏ