mùa cỏ tranh, những người phụ nữ đó còn phải leo lên đồi nhổ rễ cỏ dùng
để đun nấu. Vào buổi chiều, họ còn phải mang cơm cho cánh đàn ông; khi
về họ lại xe sợi, dệt vải, và khâu quần áo, giày, mũ cho cả nhà. Suốt cả
ngày đi đâu họ cũng phải cõng hoặc bế những đứa trẻ theo.
Ở Đồi Hét, từ dùng là để chỉ việc đàn ông muốn ngủ với một người đàn
bà. Khi trời nhá nhem cánh đàn ông về nhà và muốn dùng các bà vợ. Họ
thường sốt ruột quát tháo các bà vợ: “Làm gì mà chậm như rùa thế? Đang
leo lên kháng hay làm gì thế hả?” Sau khi bị dùng, phụ nữ lại đi dọn dẹp và
chăm sóc lũ trẻ còn đàn ông thì nằm đó ngáy khò khò. Chỉ khi đêm xuống
phụ nữ mới được nghỉ ngơi. Vì lúc đó chẳng còn ánh sáng mà làm nữa. Khi
tôi cố thử nếm trải một chút cuộc sống của những người phụ nữ này bằng
cách tham gia vào việc nhà hàng ngày của họ một lúc, tôi thấy niềm tin vào
giá trị của cuộc sống bị rung động nghiêm trọng.
Ngày duy nhất mà người đàn bà ở Đồi Hét có thể ngẩng cao đầu là ngày
sinh con trai. Ướt sũng mồ hôi sau cơn đau sinh nở, cô ta được nghe những
lời khiến cô ta hãnh diện và thỏa nguyện: “Đẻ được thằng cu rồi!” Đó là lời
công nhận cao nhất về thành công mà cô ta nhận được từ chồng, và phần
thưởng vật chất là một bát trứng trộn với đường và nước nóng. Người ta
không định kiến với người phụ nữ sinh con gái, nhưng cô ta sẽ không được
hưởng sự đối đãi đó. Đồi Hét có một cấu trúc xã hội độc nhất vô nhị, nhưng
nó không khác những vùng miền khác của Trung Quốc, cả quan điểm trọng
nam khinh nữ.
Trong những ngày đầu tiên ở Đồi Hét, tôi tự hỏi tại sao hầu hết lũ trẻ
chơi bên cạnh hoặc giúp đỡ những người phụ nữ khi họ bận bịu xung
quanh các ngôi nhà hang đều là con trai và nghĩ rằng đây có thể là một ngôi
làng nữa có tục lệ giết trẻ sơ sinh là con gái. Sau này tôi mới biết đó là vì
thiếu quần áo. Khi một gia đình có thêm quần áo mới, khoảng ba đến năm
năm một lần, họ mặc cho con trai trước, thường để cho mấy chị em gái chia
nhau một bộ quần áo mặc ngoài, cả mấy chị em mặc chung một bộ. Các chị
em gái sẽ ngồi trên chiếc kháng được bọc bằng một tấm trải lớn và thay
phiên nhau mặc bộ quần áo đó để đi ra ngoài giúp mẹ.