Phòng bà Dương rất nhỏ; một bức tường hầu như được phủ kín bằng
một bức ảnh phóng to đến mức trông như một bức họa bằng những điểm và
màu sắc. Trên ảnh là một cô bé có đôi mắt rất sống động, đôi môi hé mở
như sắp nói điều gì.
Nhìn đăm đăm vào tấm ảnh, bà Dương nói, “Con gái tôi đấy. Ảnh chụp
khi nó tốt nghiệp tiểu học. Đó là bức ảnh duy nhất của nó mà tôi có.”
“Cô bé xinh quá đi mất.”
“Vâng. Từ hồi học mẫu giáo nó đã nghịch ngợm và nói chuyện liên
mồm rồi.”
“Hẳn là cô bé rất thông minh.”
“Tôi nghĩ thế - nó chưa từng đứng đầu lớp, nhưng tôi chưa bao giờ phải
lo lắng gì về nó cả.” Bà Dương vừa nói vừa vuốt ve tấm ảnh. “Nó bỏ tôi đi
đã gần hai mươi năm nay rồi. Tôi biết là nó chẳng muốn đi đâu. Nó đã
mười bốn tuổi. Nó đã biết thế nào là sống và chết: nó không muốn chết.”
“Cháu nghe nói cô bé đã sống sót qua trận động đất?”
“Phải, nhưng thà nó bị đè chết ngay lúc đó còn hơn. Nó cầm cự được
mười bốn ngày - mười bốn ngày hai giờ, biết rằng cái chết đang tới. Mà nó
chỉ mới mười bốn tuổi đầu...” Bà Dương bật khóc.
Không kim nổi dòng nước mắt tuôn rơi, tôi nói, “Dì Dương à, cháu xin
lỗi,” và đặt tay lên vai bà.
Bà nức nở trong khoảng vài phút. “Tôi... tôi không sao. Hân Nhiên, cô
không thể tưởng tượng nổi cảnh tượng lúc đó tồi tệ đến mức nào đâu. Tôi
sẽ không bao giờ quên nổi vẻ mặt của nó lúc ấy.” Bà lại nhìn đăm đăm vào
bức ảnh một lần nữa với ánh mắt đầy yêu thương. "Miệng nó hé ra, như
trong ảnh này vậy...
Những giọt nước mắt của bà khiến tôi đau xót, tôi đề nghị, “Dì Dương à,
dì đã bận rộn cả ngày rồi, chắc dì đã mệt, để lần khác kể tiếp vậy nhé?”
Bà Dương trấn tĩnh lại. “Không, tôi nghe nói cô rất bận. Cô đã lặn lội xa
xôi tới đây chỉ để nghe chuyện của chúng tôi; tôi không thể để cô về không
được.”
“Không sao đâu, cháu có thời gian mà,” tôi vỗ về bà lần nữa.