Vì vui không phải, vì tiền cũng không,
Mà vì nợ phải trả xong,
vì những bù đắp chẳng mong kéo dài.
Vì màu máu đỏ không phai
như ai tô điểm một bông hoa hồng.
Để ai cũng phải nằm lòng
gieo gì gặt nấy, đừng hòng cậy ai.
Điều đập vào mắt anh trước tiên chính là sự thay đổi thái độ. Giọng điệu
bông đùa của hai thông điệp diễn dịch bằng văn xuôi bỗng mang tính chất tố
cáo trong bài thơ thứ nhất, mang tính chất đe dọa thái quá trong bài thứ hai,
và mang tính chất thù hận trong bài thứ ba. Bỏ qua vấn đề cần nghiêm túc
xem xét thông điệp đến mức nào, bản thân thông điệp rất rõ ràng: Người viết
(X. Arybdis chăng?) muốn nói hắn sẽ trả đũa (giết chăng?) Mellery vì y đã
phạm sai lầm nào đó trong quá khứ có liên quan tới rượu. Khi Gurney viết
chữ giết vào phần ghi chú, sự chú ý của anh bỗng nhảy trở lại hai câu thơ
ban đầu trong bài thơ thứ hai:
Ông sẽ trả thứ đã lấy
khi ông nhận được thứ đã cho.
Giờ thì anh đã hiểu chính xác ý nghĩa của những từ ngữ này, và ý nghĩa
của nó đơn giản đến mức rùng mình: ông lấy mạng người, thì sẽ phải trả
bằng mạng mình, ông gieo nhân nào thì sẽ phải gặt quả nấy.
Anh không chắc cảm giác rờn rợn mình đang cảm nhận thuyết phục anh
là mình đúng hay vì biết mình đúng nên anh mới có cảm giác rờn rợn ấy,
nhưng dù sao thì anh không còn hoài nghi gì nữa. Tuy nhiên, như vậy cũng
chưa trả lời được những câu hỏi còn lại của anh. Nó chỉ làm những câu hỏi
đó mang tính cấp bách hơn và phát sinh thêm nhiều câu hỏi mới nữa.
Lời dọa giết ấy chỉ đơn thuần là đe dọa để gây ra đau đớn vì sợ hãi – hay
đó là một tuyên bố sẽ thực hiện ý định ấy? Kẻ viết thư đề cập đến điều gì khi
nói ‘Ta làm những việc đã làm’ trong dòng đầu bài thơ thứ ba? Trước đây,
hắn đã làm gì ai khác điều mà hắn định làm với Mellery chưa? Có khi nào