cái mùi mẫn yêu đương, như chất men làm dậy sức sống của câu chuyện.
Hãy đọc:
“Ở gian hàng tơ lụa cũng đông (...). Những bà tái nhợt vì thèm muốn
nghiêng xuống như để soi mình. Trước dòng thác tuôn trào đó ai nấy đứng
yên với niềm sợ hãi âm thầm bị lôi cuốn vào cảnh xa hoa ngập tràn đến thế,
và cả với nỗi khao khát không cưỡng nổi lao mình vào đó và đắm chìm ở
đó (...). Nhất là ở gian hàng tơ lụa, trôi qua, một cơn lốc điên cuồng (...).
Bản thân Mouret cũng thấy nhu cầu thể chất được tắm mình vào thành
công. Anh hết hơi mà khoan khoái, ở đó, tay chân anh như được toàn thể
khách hàng ôm hôn triền miên”.
Nếu như cái sức hấp dẫn “trai gái” đó, ở tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các
bà, không trở thành cái gì nặng nề quá quắt như ở một số tác phẩm khác
của Émile Zola, là vì nó làm nền cho hai cuộc đấu tranh gay gắt, căng
thẳng, một là cuộc đấu tranh giữa buôn bán nhỏ và buôn bán lớn, như đã
nói ở trên, được trình bày dưới hình ảnh huyền thoại hóa của cỗ máy quái
vật nuốt dần cả khu phố, hai là cuộc đấu tranh nội bộ giữa những nhân viên
bán hàng thể hiện cái học thuyết đấu tranh sinh tồn nằm trong tiến hóa luận
của Darwin. Và ở đây, lại ló ra cái nhược điểm của Zola tự nhiên chủ nghĩa
phần nào máy móc áp dụng quy luật sinh vật học vào cuộc sống xã hội của
con người.
Cuối cùng, phải nói đến một ưu điểm thuộc về phong cách của Émile
Zola, đó là sự phong phú về chi tiết đòi hỏi ở nhà văn công phu sưu tầm, đi
sâu nghiên cứu như một nhà khoa học, khiến ông đã có thể dựng lên hình
ảnh đồ sộ, mang tính sử thi, của một cửa hàng bách hóa, giải thích hùng
hồn sự thắng thế của cái mà tác giả ca ngợi gọi là “hoạt động hiện đại”,
thậm chí trước “bài ca thương nghiệp” đó, người đọc chúng ta ngày nay
(đặc biệt là độc giả Việt Nam) vẫn không thấy là cái gì đã lỗi thời.
Tháng 8-1983