XIV ở bên cạnh, chỉ có ba cửa sổ phía trước mặt, mà những cửa đó, hình
vuông, không có cửa chớp, chỉ kèm một lan can, hai gióng sắt làm thành
hình chữ thập. Nhưng trong vẻ trần trụi đó, cái đập vào mắt Denise nhất, vì
cô còn mang đầy hình ảnh của những hàng bày sáng sủa ở hiệu Hạnh phúc
các bà, đó là cửa hàng ở tầng sát đất, bị trần nhà đè bẹp, và một tầng trên
rất thấp, với những lỗ cửa bán nguyệt kiểu nhà tu. Một khung gỗ, cùng màu
với biển hàng, màu xanh chai mà thời gian đã điểm sắc thổ hoàng và nhựa
đường, đóng khung hai bên hai tủ kính ăn sâu, tối tăm, bụi bặm trong đó lờ
mờ những tấm vải chất đống, cửa ra vào để mở đường như dẫn vào bóng
tối ẩm ướt của một căn hầm.
- Đây rồi. - Jean lại nói.
- Thế thì vào thôi - Denise bảo - Nào Pépé lại đây.
Tuy nhiên cả ba đâm ra nhút nhát bối rối. Khi bố chúng qua đời, cũng do
cái bệnh sốt đã mang mẹ chúng đi một tháng trước đó, ông chú Baudu,
trong cơn xúc động vì hai cái tang liền, đã viết thư cho cháu gái rằng nhà
ông lúc nào cũng dành một chỗ cho cô, khi nào cô muốn lên Paris cầu may.
Nhưng bức thư đó đã viết từ ngót một năm trời nay, và bây giờ cô gái hối
hận vì đã rời Valognes đi, trong một cơn liều lĩnh, mà không báo cho chú
biết trước. Ông ta không biết mặt chúng vì ông chưa bao giờ đặt chân lại
tỉnh nhà, kể từ khi ông ra đi lúc con trẻ măng, để vào làm cậu thư ký nhỏ ở
cửa hàng bán da của ông Hauchecorne mà cuối cùng anh ta kết hôn với con
gái ông này.
- Thưa, tôi hỏi ông Baudu? - Denise rốt cuộc quyết định hỏi cái người to
lớn vẫn cứ nhìn bọn họ mãi, ngạc nhiên vì dáng dấp của họ.
- Chính tôi đây. - Ông ta đáp.
Thế là Denise mặt đỏ như gấc, ấp úng nói: