Mắt vẫn nhìn ra phố, Denise cảm thấy đang bị họ nhai nuốt. Nhưng cô
chẳng tức giận, cô thấy hai cô kia đều chẳng đẹp gì, cả cô lớn với búi tóc
đỏ hoe thả xuống cái cổ ngực, lẫn cô bé với da mặt màu sữa hỏng làm cho
cái mặt dẹt của cô mềm nhũn, như không xương. Clara Prunaire, con gái
một người làm guốc ở rừng Vivet, bị bọn hầu buồng ở lầu đài Mareuil làm
hư hỏng, khi bà bá tước muốn cô đến khâu vá; về sau, từ một cửa hiệu ở
Langres đến Paris, cô nhè vào bọn đàn ông để trả thù những cái đá của lão
Prunaire làm mình mẩy cô thâm tím. Marguerite Vadon sinh ở một gia đình
bán hàng vải tại Grenoble, đã bị gửi đến hiệu Hạnh phúc các bà để che giấu
một tội lỗi, một đứa con đẻ hoang; và nếu cô ta ăn ở thật tốt thì cô sẽ được
trở về địa phương cai quản cửa hàng của bố mẹ và kết hôn với một người
anh họ đang chờ cô.
- Chà được! - Clara lại khẽ nói - Ngữ này sẽ chẳng ăn nhằm gì ở đây đâu.
Bỗng họ im bặt, một phụ nữ khoảng bốn nhăm tuổi bước vào. Đó là bà
Aurélie, người lực lưỡng, lau mình trong một chiếc áo dài lụa đen, mà thân
trên, căng ra vì đôi vai tròn bè và bộ ngực bóng loáng như một áo giáp.
Dưới những giải bịt trán sẩm tối, đôi mắt bà to và bất động, cái mồm
nghiêm nghị, má rộng và hơi xị, và trong cái oai nghiêm của thủ trưởng,
mặt bà như sưng lên giống bộ mặt phị của César [8] được nhào nặn.
- Cô Vadon, - Bà nói với giọng cáu kỉnh - thế hôm qua cô đã không đưa
lại xưởng mẫu chiếc măng-tô để cắt a?
- Thưa bà, là vì có một chỗ phải sửa, - Cô bán hàng đáp - và chính là bà
Frédéric giữ lại.
Thế là gian hàng phó rút trong tủ ra chiếc mẫu áo, và tiếp lời phân trần.
Hết thảy phải cúi gập trước bà Aurélie, khi bà thấy cần phải bảo vệ uy tín
của bà. Con người rất hợm, đến mức không muốn người ta gọi mình bằng
cái tên Lhomme làm bà phật ý, và không thừa nhận cái lều của ông bố, mà
bà xem như một thợ may ngồi cửa hàng, bà chỉ tốt với những cô nàng mềm