- Nhưng mà, thưa bà chị, - Bà De Boves nói - yếm cũng viền đăng-ten
nữa. Chưa bao giờ tôi thấy cái gì sang hơn.
- Ấy bà làm cho tôi nghĩ ra - Bà Desforges nói - Tôi đã có bốn mét
Alençon rồi... Tôi phải kiếm thêm để làm một món trang sức.
Bây giờ mọi tiếng nói hạ thấp, chỉ còn xì xào. Nhưng con số vang lên, cả
một cuộc mặc cả kích động thèm muốn, các bà mua đăng-ten hàng vốc tay.
- Chà! - Cuối cùng Mouret nói khi ngớt tiếng - Muốn bán thứ gì thì bán
được thứ ấy, một khi biết cách bán. Chúng tôi thắng là ở đó.
Lúc ấy, với nhiệt hứng của dân Provence, bằng những lời nóng hổi khêu
gợi hình ảnh, anh chỉ rõ sự vận dụng của nền thương nghiệp mới. Trước hết
là sức mạnh tăng lên gấp bội của tích lũy, các hàng hóa chất đống ở một
điểm dựa vào nhau và xô đẩy nhau; không bao giờ có thất nghiệp, bao giờ
hàng hóa theo mùa cũng có sẵn; và từ quầy này sang quầy khác, bà khách
hàng bị vào tròng, chỗ này mua vải, chỗ kia mua chỉ, chỗ khác mua chiếc
măng-tô, hàng may mặc, rồi rơi vào nhiều cuộc gặp gỡ bất ngờ, ngả theo
nhu cầu mua sắm cái linh tinh và cái đẹp mắt. Rồi anh ca tụng cái nhãn
hiệu bằng chữ số rõ ràng. Cuộc cách mạng lớn trong buôn bán tân phẩm bắt
đầu từ phát hiện đó. Nếu thương nghiệp cũ, thương nghiệp nhỏ hấp hối, thì
là vì nó không chịu nổi cuộc đấu tranh giá hạ, do nhãn hiệu mở ra. Bây giờ
cạnh tranh diễn ra ngay trước mắt công chúng, người ta dạo qua các cửa
hàng để định giá, mỗi cửa hàng hạ giá, bằng lòng với số lãi ít nhất, không
có gian lận, không có ngón phất tính toán lâu la trên một mặt vải bán gấp
đôi giá trị của nó, mà là những thao tác thường ngày, bao nhiêu phần trăm
đều trích vào các mặt hàng, phát tài nhờ vận dụng tốt một cuộc bán, bán
càng minh bạch càng được mở rộng. Đó phải chăng là một sáng tạo kỳ lạ?
Nó đảo lộn thị trường, nó biển đổi Paris, vì nó nảy sinh từ máu thịt người
phụ nữ.