Gã kia gắt gỏng đáp lời:
“Có lấy đâu ông ơi. Tôi đã nói chỉ là trò giỡn thôi mà.”
“Tôi sắp tin lời ông rồi đấy,” Hendon nói giọng vừa có vẻ móc mỉa, vừa
bán tín bán nghi. “Nhưng ông cứ đợi đây một lúc, để tôi chạy lại hỏi ngài
quan toà, bởi hẳn ngài ấy là người biết nhiều về luật, về trò giỡn, về...”
Anh chàng dợm bước đi, miệng vẫn tiếp tục nói. Tay cảnh sát ngần ngừ,
lo âu, bật ra một hay hai câu chửi thề rồi kêu to:
“Gượm đã, gượm đã, thưa ông. Xin chờ một lát! Quan tòa ấy à! Trời ơi,
ngài ấy chẳng ưa lời nói đùa mà coi chúng như những xác chết vậy. Tới
đây, chúng ta sẽ bàn kỹ hơn. Ôi chao! Hình như tôi gặp vận rủi rồi, tất cả
chỉ vì trò đùa vô tâm đầy khinh suất đó. Tôi là trụ cột trong gia đình, còn có
vợ dại, con thơ. Ông ơi, ông xem đấy, tôi biết làm sao bây giờ?”
“Chỉ cần ông giả mù, điếc, liệt trong khi người ta đếm đến một ngàn –
đếm chầm chậm thôi,” Hendon nói với vẻ của một người chỉ yêu cầu một
chuyện phải chăng, mà chuyện đó lại chẳng đáng kể chút nào.
“Thế thì toi đời tôi!” Tay cảnh sát tuyệt vọng nói. “Ôi, xin ông yêu cầu
điều gì vừa phải thôi! Ông cứ nghĩ coi, nhìn từ góc độ nào cũng thấy đó chỉ
là trò đùa thuần túy mà thôi. Rõ ràng là thế, hiển nhiên là thế. Mà thậm chí
nếu đó không phải là trò đùa thì lỗi cũng chẳng đáng là bao, lỗi đó có phạt
thật nghiêm thì cũng chỉ nhận lời khiển trách, cảnh cáo của ngài quan tòa
thôi.”
Hendon đáp với vẻ nghiêm trang khiến bầu không khí xung quanh như
lạnh băng:
“Trò đùa của ông có tên gọi trong luật đấy, ông biết là gì không?”
“Tôi không biết. Chắc tôi khờ dại quá rồi. Tôi chẳng dám nghĩ nó có tên
đâu. Ôi, trời đất ơi, tôi đoán hẳn nó độc đáo lắm.”
“Phải, nó có tên đấy. Trong luật, tội này được gọi là Non compos mentis
lex talionis sic transit gloria mundi
.”
“Ôi, lạy Chúa tôi!”
“Xử tử hình!”
“Lạy Chúa lòng lành con mắc tội tày đình!”