- Đàn bà thì phải chết ở nhà thương… (Hiển nhiên nàng đã biết
chuyện ấy,- tôi nghĩ, bởi nàng nói: đàn bà, chứ không nói con gái).
Người con gái ấy nợ bà chủ khá nhiều,- tôi đáp, câu chuyện mỗi
lúc làm tôi say sưa hơn,- và cô ta vẫn cứ tiếp tục đi khách cho đến
lúc chết dù bị lao nặng. Anh thấy mấy người phu xe nói chuyện với
mấy tên lính ở đó như thế. Chắc là những bồ cũ của cô ta. Bọn họ
cười ầm ĩ và chạy vào quán uống cho vong hồn cô ta. (Chỗ này tôi
cũng thêu dệt thêm nhiều).
Im lặng. Im lặng sâu thẳm. Nàng thậm chí không cựa quậy gì hết.
- Thế chết ở nhà thươg thì tốt hơn hay sao?- Tôi lại hỏi.
- Thì cũng thế thôi! Nhưng tại sao tôi lại phải chết cơ chứ?- Nàng
nói thêm, hơi cáu.
- Chưa chết ngay đâu… sau này cơ.
- Thì sau này cũng thế…
- Em đừng tưởng. Bây giờ em còn trẻ, tươi tắn, nên người ta còn
thích em. Nhưng cứ lê cái đời này độ một năm là em sẽ khác đi
ngay. Em sẽ tàn.
- Độ một năm?
- Nghĩa là chừng một năm là em đã xuống giá hơn rồi, - tôi cố tình
nói tàn nhẫn.- Em sẽ bỏ nhà này tới một nhà khác tồi hơn. Rồi sau
một năm nữa, em lại tới một nhà thứ ba càng tồi hơn, và lối sáu, bảy
năm gì đó, em sẽ rơi xuống một căn buồng dưới hầm, ở phố hàng Cỏ
đó. Ấy là hãy còn khá. Vô phước thì đau, ốm… sưng phổi hay gì
đó… nếu em bị cảm lạnh…Cứ sống kiểu đó mãi rồi là bệnh sẽ nặng
thêm, nó sẽ theo bám em đến cùng. Và thế là em chết.
- Ừ, thì tôi chết. Rồi sao?- Nàng nói văng vào mặt tôi bằng một
giọng dữ tợn, đồng thời cựa mình mạnh một cái.
- Như thế tiếc lắm!
- Tiếc ai?