Cho đến bây giờ tôi vẫn còn tự phục cái lối nói trôi chảy và thẳng
thắn của bức thư đó cùng với lối hành văn thật xứng đáng là của
một người quân tử. Tôi quy tội hoàn toàn về phần tôi một cách khéo
léo, quý phái và nhất là không có một chữ nào thừa. Tôi xin tạ tội,
“nếu còn được phép để tạ tội”, bằng cách nói rằng do không quen
uống rượu, nên li rượu đầu tiên tôi uống (gọi là uống) trong lúc chờ
mấy người ở Hôtel de Paris từ năm đến sáu giờ đã làm tôi hoàn toàn
choáng váng. Tôi xin lỗi Simonov trước nhất; nhưng tôi cũng xin
chàng chuyển hộ lời tạ tội của tôi đến mấy anh bạn kia, nhất là
Zverkov, mà tôi đã… “nhớ lại như qua một giấc mơ…”, thất lỗi
nặng, tôi tin thế. Tôi còn thêm rằng đáng lẽ chính tôi phải đến trình
bày mới phải, nhưng tôi bị nhức đầu quá, và nhất là cảm thấy vô
cùng bối rối.
Tôi đặc biệt hài lòng về “cách nói nhẹ nhàng”, thậm chí hơi phóng
túng (nhưng hết sức thích hợp), biểu lộ qua những câu xin lỗi và,
hơn hết mọi lời giải thích nào, nó sẽ phải cho bọn chúng hiểu rằng
“toàn bộ câu chuyện bỉ ổi hôm qua”đối với tôi chẳng nghĩa lí gì hết:
tôi đâu hề bị bóp bẹp như quý ngài có lẽ đã tưởng, mà ngược lại, tôi
đã suy ngẫm tất cả vụ đó hết sức là bình tĩnh, đúng theo tinh thần
của một người quân tử biết tự trọng. “Cần phải cho tuổi trẻ nó qua
đi”.
Đọc lại lá thư tôi còn tự nhủ rằng có một vẻ gì đó rất sang trọng.
Tại sao? Tại tôi là một con người có văn hóa, con người thông minh
chứ sao! Một kẻ nào khác ở địa vị tôi chắc sẽ không biết cách nào mà
gỡ ra được, còn tôi, tôi đã ra khỏi vòng mà tôi lại còn đùa cợt nữa là
đằng khác. Đó mới thật là con người của thời đại, có học, thông
minh! Vả lại dù sao thì lỗi là ở rượu cả… A hèm!… Không hẳn. Tôi
đâu có uống rượu mạnh lúc ngồi chờ bọn chúng từ năm đến sáu giờ!
Tôi đã nói dối Simonov; nói dối một cách trơ tráo, và tôi không hề
xấu hổ.
Với lại tôi cần đếch gì! Điều quan trọng là rửa tay cho sạch vụ đó
mà thôi.