Trong đám người Nga chúng ta, nói chung không bao giờ có
những kẻ lãng mạn ngu xuẩn kiểu Đức, và nhất là kiểu Pháp, đắm
mình trong những giấc mộng đầy sao, và chẳng có gì lay chuyển nổi
họ, cho dù đất đang lở dưới chân, cho dù nước Pháp đang sắp bị
tiêu diệt vì nội loạn! Chẳng bao giờ họ thay đổi, cho dù thay đổi chỉ
để mà thay đổi, và cứ tiếp tục ca hát những khúc thánh ca màu
nhiệm cho đến ngày cuối cùng, bởi một lẽ là họ ngu xuẩn. Còn ở
nước ta, trên đất Nga, không có kẻ nào là ngu si; đó là điều ai cũng
biết. Và chính đó là cái nó phân biệt nước ta và các nước khác. Bởi
vậy, ở nước ta không có những tư chất mơ mộng ở dạng thuần khiết.
Tưởng lầm rằng những Constanjoglo và những Piotr Ivanovich
mẫu người lí tưởng của chúng ta nên các nhà phê bình và viết báo
thời trước đã coi những nhà lãng mạn của ta cũng mơ mộng như
những nhà lãng mạn ở Pháp và Đức.
Sự thực trái hẳn: cái tư chất lãng mạn của nhà lãng mạn ở ta hoàn
toàn khác cái tư chất của những nhà lãng mạn nước ngoài, và không
một tiêu chuẩn Châu Âu nào có thể thích ứng với ta ráo trọi (xin
phép quý vị dung chữ “lãng mạn”, một danh từ cổ, đáng kính mà ai
cũng biết). Cái đặc tính của nhà lãng mạn xứ ta là ông ta hiểu hết,
nhìn thấy hết và còn nhìn rõ hơn mọi trí óc thực dụng nhất. Nhà
lãng mạn ở xứ ta không thỏa hiệp với bất cứ ai và bất cứ cái gì, song
đồng thời cũng chẳng khinh miệt họ. Nhà lãng mạn của ta sẽ né
tránh, sẽ nhường bước tất cả, ông ta không bao giờ quên cái mục
tiêu thực dụng và hữu ích (một số tiền ân cấp khá khá, một cái huy
chương nho nhỏ, một căn nhà xinh xinh triều đình ban cho), ông ta
nhìn cái mục tiêu ấy qua mọi cảm khái, qua những trang thơ trữ
tình. Nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên vẹn cái lí tưởng của mình về
“cái đẹp và cái cao thượng”, và đồng thời giữ luôn cả chính ông ta
như một viên ngọc báu, để phát huy cái “đẹp”, cái “cao thượng” ấy.
Nhà lãng mạn xứ ta là một con người vô cùng hào phóng, và cũng là
một tên giảo quyệt vào bậc nhất của chúng ta - tôi dám cam đoan
như vậy…; và sở dĩ tôi biết là do kinh nghiệm cá nhân của tôi. Cố