như phờ ra, đổ mồ hôi, và thấy toàn thân như sắp tê liệt cả. Nhưng
như thế tôi cho cũng có ích, bởi lúc về đến nhà tôi thấy tạm thời có
thể bỏ được cái ước vọng là ôm hôn tất cả nhân loại.
Nói vậy chứ tôi cũng còn một người quen khác là Simonov, một
bạn học cũ. Tôi có khá nhiều bạn đồng học cũ ở Peterburg, nhưng tôi
đã thôi gặp họ từ lâu, và thấy họ ngoài phố tôi cũng chẳng buồn
chào hỏi gì nữa. Có lẽ chính vì muốn tránh mặt họ và cắt đứt mọi kỉ
niệm thời thơ ấu khốn nạn của tôi nên tôi đã xin vào làm ở một Bộ
khác. Mẹ kiếp trường học! Mẹ kiếp những năm ngục tù khốn nạn!
Tóm lại tôi đã cắt đứt mọi liên lạc với các bạn học tôi ngay sau khi
tôi rời nhà trường.Ngoại trừ hai hay ba tên,còn thì tôi chẳng thèm
chào hỏi đứa nào nữa. Trong số bạn còn lại đó có Simonov, một
người không có gì xuất sắc hồi còn ở trường, tính tình hiền lành và ít
nói, nhưng tôi phục cái tính độc lập và thẳng thắn của chàng. Tôi
cũng không tin là chàng ngu xuẩn lắm. Chúng tôi đã sống với nhau
những ngày rất đẹp, nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, hình như
có một thứ sương mù đã bao phủ những mối liên hệ giữa chúng tôi.
Kỉ niệm về những giây phút đó chắc là làm cho Simonov rất khó
chịu, bởi tôi tin là chàng luôn luôn sợ tôi lại rơi vào cái lối tình cảm
ngày xưa. Tôi còn ngờ tôi làm cho chàng rất khó chịu là khác; nhưng
vì chưa chắc hẳn như vậy nên thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm chàng.
Và thế là một hôm thứ năm, không chịu đựng nổi cô đơn nữa, và
biết rằng Anton Antonovich không tiếp khách vào thứ năm, tôi bỗng
nhớ tới Simonov. Trong lúc bước lên cầu thang tới phòng chàng (ở
lầu bốn), tôi lại có ý tưởng rằng sự có mặt của tôi chắc sẽ làm phiền
chàng lắm và đáng lẽ tôi không nên tới thì hơn. Nhưng nghĩ ngợi
như thế thường chỉ đi đến hậu quả là xúi tôi tìm đến những tình
trạng mập mở, nên tôi bước đại vào. Đã một năm nay tôi chưa gặp
lại chàng.