sang một bên đã. Quý vị hãy cho tôi biết điều này: vì sao có hiện
tượng là, cứ như cố ý, vào những giây phút, phải, vào đúng những
giây phútmà tôi có khả năng ý thức được rõ nhất tất cả những tinh tế
của cái đẹp và cái cao thượng, như ngày xưa ở ta thường nói, thì tôi lại
thường không ý thức được gì nữa hết, mà lại lao vào làm những việc
xấu xa đê tiện đến nỗi… nghĩa là những việc mà có lẽ ai cũng làm,
nhưng lại cứ như cố tình đến với tôi đúng lúc tôi biết mười mươi là
đáng lẽ không nên làm mới phải. Càng ý thức rõ bao nhiêu về cái
thiện và mọi cái gì gọi là "mĩ và toàn hảo" tôi lại càng chìm sâu vào
đống bùn nhơ của mình và càng cảm thấy sẵn sàng muốn ngụp lặn
hoàn toàn trong đó bấy nhiêu. Nhưng cái chính là cảm giác đó trong
tôi dường như không phải tình cờ, mà tất yếu phải thế. Cứ như đó là
trạng thái bình thường nhất trong tôi, chứ tuyệt nhiên không phải là
căn bệnh hay tật xấu nào cả; thậm chí đến nỗi về sau tôi chẳng còn
thiết tha gì chống lại cái thói xấu ấy nữa. Cuối cùng tôi hầu như tin
(mà có khi tôi tin thật cũng nên) rằng đó mới chính là trạng thái bình
thường của tôi. Chứ thoạt tiên tôi đã phải vật lộn khổ sở chừng nào
để chống lại nó! Tôi không tin rằng với những người khác cũng xảy
ra như vậy nên suốt đời tôi cứ âm thầm giấu kín điều đó như giấu
một niềm bí ẩn. Tôi đã xấu hổ vì điều đó (ngay đến bây giờ tôi vẫn
còn xấu hổ). Đến mức tôi còn cảm thấy một nỗi thích thú thầm kín,
đê tiện, bất thường khi vào một trong những đêm Peterburg nhơ
nhuốc nhất, tôi trở về nhà, về cái xó của mình, và cũng ý thức rõ hơn
rằng ngày hôm nay mình lại làm một việc đê tiện, rằng việc mình
làm không còn cách gì vớt vát được nữa. Và thế là, tôi lại âm thầm tự
đay nghiến, chửi rủa, dày vò mình đến nỗi cuối cùng niềm cay đắng
biến thành một cảm giác ngọt ngào nhục nhã, đáng nguyền rủa, và
sau rốt trở thành một khoái lạc thực sự. Vâng, đúng thế: khoái lạc!
Tôi muốn nhấn mạnh điều đó: khoái lạc! Tôi phải nói ra điều ấy vì
lúc nào tôi cũng muốn biết xem những người khác có cảm thấy được
những khoái lạc như vậy không.