bọn tôi đòi, mở miệng là chi hồ giả dã, hết đạo lý đến văn chương, cho nên nếu xem từ
đầu đến cuối thì toàn là những việc mâu thuẫn nhau chẳng có gì là hợp tình hợp lý hết.
Sao bằng mấy người con gái này mà nửa quãng đời tôi đã trông thấy, nghe thấy, tuy
không dám ví với những người trong các sách thuở xưa, nhưng xem đầu đuôi câu chuyện,
cũng có thể đỡ buồn. Lại có mấy bài thơ nhảm nhí, cũng có thể làm cho người đọc cười
bật cơm ra và nhân vui uống thêm mấy chén rượu. Còn như những cảnh hợp tan vui
buồn, thịnh suy và những cảnh ngộ thay đổi, từ đầu đến cuối đều theo sát sự thực không
thêm bớt tô vẽ chút nào, không vì chiều lòng người đọc mà xuyên tạc sự thực. Hiện giờ
người nghèo thì ngày lo cơm áo; kẻ giàu lại nảy lòng tham khôn cùng, rỗi một chút là họ
nghĩ ngay đến dâm dục, sắc đẹp, giàu sang, sầu não, còn hơi nào đọc sách nữa. Vì vậy
cuốn truyện của tôi cũng không muốn được đời khen ngợi và mọi người thích đọc. Chỉ
mong khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, hoặc khi họ muốn trốn đời, tìm đường tiêu khiển, họ
đem truyện tôi ra xem, có lẽ tôi sẽ giúp họ đừng đeo đuổi những việc hão huyền cho tốn
tuổi thọ, như thế tức là tránh được miệng thế khen chê, khỏi phải chạy vạy đây đó. Hơn
nữa nó cũng khiến người đời đổi tầm con mắt, chứ không như những quyển sách hay
những lời sáo ngữ cũ rích gán ghép bừa bãi, nói toàn chuyện vụt gặp vụt tan, đầy rẫy nào
là những tài nhân, thục nữ, nào là Tử Kiến, Văn Quân, Hồng Nương, Tiểu Ngọc…, ý sư
phụ nghĩ thế nào?
Không Không đạo nhân nghe vậy, ngẫm nghĩ một lúc, rồi xem lại truyện “Thạch Đầu ký”
một lần nữa. Nhận thấy ở đây tuy cũng có những lời vạch kẻ gian, chê người nịnh, mắng
người ác, diệt kẻ tà nhưng không có ý mỉa mai thời thế. Đến như những việc vua nhân,
tôi trung, cha hiền, con hiếu, tức là tất cả những chỗ quan hệ đến luân thường, thì đều một
mực ca ngợi công đức, thực không có sách nào sánh kịp. Trong đó, chủ ý tuy nói về tình,
nhưng chẳng qua là chép việc thực, chứ không một chút bịa đặt như những sách thiên về
dâm tình hò hẹn, thề thốt riêng tây. Đạo nhân thấy nó không dính dáng đến thời thế, mới
chép từ đầu đến cuối để truyền câu chuyện kỳ lạ này cho mọi người. Vì đạo nhân thấy
“sắc” là do “không” mà ra, rồi “tình” lại do “sắc” mà có, “tình” biểu hiện qua “sắc” rồi lại
từ “sắc” trở về “không”
cho nên đổi tên mình là Tình Tăng, đổi tên Thạch Đầu ký là
Tình Tăng lục. Khổng Mai Khê ở Đông Lỗ đề là Phong nguyệt bảo giám.
Sau Tào Tuyết Cần mười năm đọc bộ sách này ở trong viện Điệu Hồng, thêm bớt năm
lần, xếp thành mục lục, chia ra từng chương từng hồi, lại đề là Kim Lăng thập nhị hoa, và
đề một bài thơ:
Duyên Khởi Thi
Phiên âm
Mãn chỉ hoang đường ngôn,
Nhất bả tân toan lệ!
Đô vân tác giả si,
Thuỳ giải kỳ trung vị?
Dịch nghĩa
Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn tít nước mắt bao nhường chua cay.
Đừng cho chỉ giả là ngây,