nào có tiền thì chuồn mất rồi. Theo số mà gọi, người thì nói ốm, người thì nói xuống trại,
còn lại mấy người không chuồn được thì chỉ có tài bòn tiền, làm gì chịu xuất tiền.
Phượng Thư nghe nói, ngơ ngác một hồi lâu, rồi nói:
Thế thì còn lo liệu quái gì được? Đang nói thì thấy một a hoàn đến nói:
Bà Cả bảo hỏi mợ Hai, nay đã đến ngày thứ ba rồi, mà trong này còn rối beng. Cúng cơm
rồi còn bắt bà con chờ hay sao? Gọi một hồi lâu, được thức ăn thì thiếu cơm, lo liệu thế
nào lại như thế?
Phượng Thư vội vàng đi vào quát bảo người tới hầu, làm qua loa cho xong bữa cơm sớm.
Ngày hôm đó, bà con lại tới rất đông, mà bọn người nhà bên trong đều trừng mắt trợn
mày, đứng ỳ ra đó. Phượng Thư đành phải ở đấy trông nom. Lại nhớ đến cắt đặt người
làm việc, chị ta vội vàng đi ra, bảo vợ Lai Vượng gọi bọn hầu gái đến đầy đủ, chia công
việc cho tất cả mọi người. Họ vâng dạ nhưng vẫn đứng im. Phượng Thư nói:
Bây giờ là lúc nào rồi mà các người còn chưa dọn cơm? Mọi người nói:
Dọn cơm thì dễ, nhưng phải đưa đồ đạc trong ấy ra, chúng tôi mới sắp đặt được chứ.
Phượng Thư nói: Đồ lẩn thẩn! Khi chia công việc cho các người xong rồi thì thế nào cũng
có.
Họ đành phải miễn cưỡng vâng lời.
Phượng Thư lập tức lên nhà trên để lấy các vật cần dùng, định đi hỏi Hình phu nhân và
Vương phu nhân. Nhưng thấy người đông khó nói, mà xem chừng trời đã xế bóng rồi, chị
ta đành phải đi tìm Uyên Ương, định lấy một số đồ đạc của Giả mẫu để lại.
Uyên Ương nói:
Mợ còn hỏi tôi à? Năm nọ cậu Hai đem cầm đi, đã chuộc về chưa?
Không cần đồ vàng đồ bạc, chỉ cần một số đồ thường dùng thôi.
Những cái bên nhà bà Cả và mợ Trân dùng, lấy ở đâu ra đấy?
Phượng Thư nghĩ lại, quả nhiên không sai. Đành phải chạy đi tìm bọn Ngọc Xuyến và
Thái Vân ở bên nhà Vương phu nhân, lấy được một số đồ đạc, vội vàng bảo Thái Minh
ghi sổ rồi phát cho mọi người giữ lấy.
Uyên Ương thấy Phượng Thư luống cuống như thế, gọi trở lại cũng không tiện, nghĩ
bụng: “Mợ ta trước kia làm việc lanh lợi và chu đáo biết dường nào, sao nay bị lúng ta
lúng túng như thế? Mình xem ba bốn hôm nay, mợ ấy cứ lẩm ca lẩm cẩm, thật là phụ
lòng thương yêu của cụ bà!” Chị ta nghĩ vậy, chứ có biết đâu, Hình phu nhân khi nghe lời
nói của Giả Chính, hợp với ý mình, đang lo cho việc nhà sau này khó khăn, chỉ trông
mong để lại ít nhiều mà lo liệu việc sau. Vả lại việc của Giả mẫu vốn là do con trưởng
làm chủ, Giả Xá tuy không ở nhà, nhưng Giả Chính là người câu nệ, gặp việc gì cũng cứ
nói: “ Hỏi bà Cả xem sao?” Hình phu nhân vốn biết Phượng Thư ăn tiêu rộng rãi. Giả
Liễn thì lại hay dở trò ma, nên cố chết nắm chặt lấy.
Uyên Ương chỉ nghĩ số bạc ấy đã phát ra rồi. Nên thấy Phượng Thư lúng túng như thế thì
cho là không chịu hết lòng, liền ngồi bên linh sàng của Giả mẫu khóc lóc kể lể luôn
miệng.
Hình phu nhân nghe trong lời khóc của chị ta có ý oán trách. Bà ta không nghĩ đến việc
mình không cho Phượng Thư tùy ý làm việc, lại nói đổ:
Con Phượng quả thật không chịu hết lòng?
Đến đêm, Vương phu nhân gọi Phượng Thư đến và nói: