Lời giới thiệu
Trong lịch sử văn học Trung Quốc: Hồng Lâu Mộng có một vị trí đặc biệt. Người Trung
Hoa say mê đọc nó, bình luận về nó
“Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng,
Độc tận thi thư diệc uổng nhiên!”
(Mở miệng mà không nói Hồng Lâu Mộng thì đọc hết cả thi thư cũng vô ích!)
Có một ngành học chuyên nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng, gọi là Hồng học; gần đây nhất
vẫn thấy Trung Quốc in chuyên san “Hồng Lâu Mộng nghiên cứu”. Có lẽ trên thế giới chỉ
có Shakespeare là có một vinh dự lớn lao như thế, vì có “Shakespeare học”. Cái gì làm
người Trung Quốc say Hồng Lâu Mộng “như điếu đổ” vậy? Trước hết, đó là do tác phẩm
đáp ứng những nhu cầu sâu xa của thời đại. Thời nhà Thanh, dưới thời các hoàng đế Ung
Chính, Càn Long (1723 1795) là thời kinh tế phồn vinh, chẳng những công nghiệp, thủ
công nghiệp, mà cả khai thác mỏ, thương nghiệp… cũng phát triển mạnh mẽ. Các thành
thị lớn như Nam Kinh, Dương Châu, Võ Xương, Nhạc Châu… buôn bán, sản xuất sầm
uất là những đô thị lớn. Chỉ kể một thị trấn như Thanh Giang bên bờ Vận Hà thôi mà thời
đó đã có hơn nửa triệu dân! Nền kinh tế tự phát tư bản chủ nghĩa đó trong lòng xã hội
phong kiến chuyên chế mọt ruỗng và đang trên đà tan rã, đã đẻ ra một tầng lớp người
thành thị, những người này có những nhu cầu thẩm mỹ mới. Tây Sương Ký, Mẫu Đơn
Đình, Cổ kim tiểu thuyết, Liêu Trai… là những tác phẩm tả tình yêu, những số phận,
những buồn vui cá nhân…, chính là sự “thăng hoa” của cuộc sống đã bắt đầu khác trước
về chất của người thành thị. Hồng Lâu Mộng là sự thể hiện những tư tưởng của thời đại:
tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, phê phán
những giáo điều truyền thống đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm, đòi tự do yêu đương, giải
phóng cá tính, đòi tự do bình đẳng, khát khao một lý tưởng cho cuộc sống… Tất cả
những cái đó có những mặt kế thừa tư tưởng dân chủ thời Minh và đầu Thanh, nhưng nó
chính là sản phẩm của ý thức tư tưởng thị dân đương thời. Giữa những khát vọng sâu xa
ấy của con người thời đại và sự biểu hiện nó ra một cách nghệ thuật, đã có một cuộc hẹn
hò tuyệt diệu qua Hồng Lâu Mộng.
Tác giả chính của Hồng Lâu Mộng, Tào Tuyết Cần 1716(?) 1763(?) giống như phần lớn
các nhà văn lớn Trung Hoa trong lịch sử, viết văn là để giải tỏa nỗi niềm “cô phẫn”, là để
ký thác những suy tư về con người và thời đại. Ông vốn sinh ra trong một gia đình đại
quý tộc. Từ đời tằng tổ đến đời cha, thay nhau tập chức “Giang Ninh chức tạo” là một
chức quan to thu thuế. Năm lần vua Khang Hy tuần du phương Nam thì bốn lần ở lại nhà
họ Tào, đủ biết sự sủng ái của nhà vua với gia đình ông ra sao! Và cũng có thể đoán biết
cuộc sống trong phủ Giang hồi đó xa hoa, vương giả như thế nào! Trong Hồng Lâu
Mộng, Nguyên Phi về thăm nhà có một buổi mà phải xây cất bao nhiêu đình tạ trong
vườn Đại Quan, nữa là hoàng đế tuần du ngự đến nhà. Nhà ông chẳng những là hào môn
vọng tộc hiển hách như thế, lại còn có truyền thống văn chương. Ông nội ông, Tào Dần,
từng in bộ “Toàn Đường thi” trứ danh, và là một nhà thơ, tác giả “Luyện đình thi sao”.
Nhưng cuộc sống vàng son đó của gia đình ông đã trôi qua, đã tan vỡ. Lúc Tào Tuyết Cần
lớn lên thì tất cả đã ở đằng sau rồi: cha bị khép tội, bị cách chức, bị tịch biên gia sản, nhà
họ Tào suy sụp và ông phải về sống ở vùng ngoại ô phía tây thành Bắc Kinh trong cảnh: