vật học ở trường đại học và đang bận viết một tác phẩm mới nhan đề “Triết
học và Cách mạng”16.
Khi Ernest đến, hàng hiên như đột nhiên bé lại. Không phải vì anh to
lớn quá đến thế đâu – anh chỉ cao có năm bộ chín tấc17 – mà vì người anh
toả ra một không khí lớn lao khó tả. Lúc đứng lại chào tôi, anh tỏ ra hơi
ngượng nghịu, trái hẳn với đôi mắt nhìn táo bạo và bàn tay mạnh mẽ, cứng
cáp của anh khi bắt tay tôi. Lúc đó mắt anh cũng đầy vẻ quả quyết và mạnh
mẽ như thế. Lần này hình như trong đôi mắt anh có một câu hỏi, và cũng
như lần trước, anh nhìn tôi lâu quá.
- Tôi đã đọc cuốn “Triết học của giai cấp công nhân” anh viết. – Tôi
nói, và mắt anh sáng lên vì vui thích.
Anh đáp:
- Chắc thể nào cô chẳng chú ý tôi viết cuốn sách này nhằm đối tượng
nào.
- Vâng. Và chính vì thế tôi muốn tranh cãi với anh, – tôi lên giọng
thách thức.
- Tôi cũng thế, tôi cũng cần tranh luận với ông, ông Everhard ạ, – đức
Giám mục Morehouse nói.
Ernest nhún vai rất điệu và đỡ lấy chén trà.
Đức Giám mục nghiêng mình nhường tôi nói trước.
Tôi bảo:
- Anh xúi giục thù hằn giai cấp. Tôi cho kêu gọi tất cả những cái gì là
hẹp hòi, là tàn bạo trong giai cấp công nhân là sai lầm và có tội. Thù hằn
giai cấp là một điều chống lại xã hội và theo ý tôi, chống lại chủ nghĩa xã
hội.
- Tôi chẳng có tội gì cả, – anh đáp. – Trong lời văn và trong tinh thần
tất cả những điều tôi viết, không có gì gọi là thù hằn giai cấp hết.
- Ồ! – Tôi lên giọng trách móc và với lấy cuốn sách của anh, mở ra.
Anh lẳng lặng uống trà và mỉm cười nhìn tôi lật những trang sách.
- Trang một trăm ba mươi hai! – Tôi đọc to: “Cho nên trong giai đoạn
hiện tại của sự phát triển xã hội, đấu tranh giai cấp diễn ra giữa giai cấp trả
lương và những giai cấp ăn lương”.
Tôi nhìn anh với vẻ mặt đắc thắng.