- Tôi nói con người thường, – đức Giám mục đáp.
- Con người mềm yếu và sai trái, dễ lầm lẫn?
Đức Giám mục gật đầu.
- Xin ngài coi chừng, – Ernest nói. – Tôi nhắc lại chữ “ích kỷ”.
- Người thường bao giờ cũng ích kỷ thật, – đức Giám mục dũng cảm
xác nhận.
- Và nó tham lam vô hạn, có đúng thế không?
- Con người thế tục vẫn hay tham lam; thật đáng thương hại, nhưng quả
là như thế.
- Thế là tôi bắt được ngài rồi. – Hàm Ernest lập lại như cái lò xo của
một cái bẫy. – Để tôi nói cho ngài nghe. Đây là một người làm ở sở xe lửa
chạy trong thành phố.
- Người đó không thể có công ăn việc làm, nếu không có tư bản, – đức
Giám mục ngắt lời.
- Đúng, nhưng chắc ngài công nhận rằng nếu không có lao động để
kiếm lời thì tư bản chết, phải không?
Đức Giám mục im lặng.
Ernest hỏi day lại:
- Ngài có công nhận thế không ạ?
Đức Giám mục gật đầu.
- Thế là ý kiến chúng ta, cái nọ đã bác cái kia, – Ernest nói bằng một
giọng rất thực tế. – Thế là hoà. Bây giờ thảo luận lại. Những người làm xe
lửa bỏ sức lao động. Nhà tư bản bỏ vốn. Do hai bên lao động và tư bản phối
hợp nên kiếm được ra tiền[18]. Họ chia nhau số tiền đó. Phần của tư bản
gọi là lợi nhuận. Phần của lao động gọi là tiền lương.
- Đúng lắm, – đức Giám mục ngắt lời. – Và không có lý gì mà họ lại
không chia nhau ổn thoả được.
- Ngài đã quên những điều chúng ta vừa đồng ý với nhau rồi, – Ernest
trả lời. – Chúng ta đã đồng ý với nhau rằng con người bình thường vẫn hay
ích kỷ. Đó mới là những con người thật. Ngài đã bay lên trên trời để chia
phần cho những con người hoàn thiện hoàn mỹ nhưng không thể có được
rồi. Ta hãy trở về mặt đất; người lao động vì ích kỷ, muốn được chia càng
nhiều càng tốt. Nhà tư bản, vì ích kỷ, muốn được chia càng nhiều càng tốt.