- Đây có phải là chuyện hằn thù giai cấp đâu, – anh cười đáp.
- Nhưng anh bảo “đấu tranh giai cấp”.
- Cái đó khác, thù hằn giai cấp khác, – anh đáp. – Cô nên tin là chúng
tôi không hề xúi giục ai thù hằn nhau. Chúng tôi nói: đấu tranh giai cấp là
một quy luật của sự phát triển xã hội, chúng tôi không chịu trách nhiệm về
điều đó. Chúng tôi có làm ra đấu tranh giai cấp đâu? Chúng tôi chỉ đem nó
ra giải thích, cũng như Newton giải thích quy luật hấp dẫn của vạn vật.
Chúng tôi cắt nghĩa bản chất của sự xung đột quyền lợi nó sinh ra đấu tranh
giai cấp.
- Đáng lý ra thì không được có xung đột quyền lợi mới phải chứ! – Tôi
kêu to lên.
- Tôi hoàn toàn đồng ý với cô, – anh đáp. – Chính là những người theo
chủ nghĩa xã hội chúng tôi đang ra sức làm việc đó. Chúng tôi đấu tranh để
thủ tiêu sự xung đột quyền lợi. Xin lỗi cô. Để tôi đọc một đoạn.
– Anh cầm lấy cuốn sách và mở rất nhanh: – Trang một trăm hai mươi
sáu: “Chu kỳ của đấu tranh giai cấp bắt đầu bằng sự tan rã của chế độ cộng
đồng bộ lạc dã man và sự phát sinh ra tư hữu. Nó sẽ kết thúc bằng sự thủ
tiêu quyền chiếm hữu cá nhân về những phương tiện sinh tồn của xã hội”.
- Nhưng tôi thì không đồng ý với ông, – đức Giám mục nói xen vào.
Người xúc động quá và khuôn mặt xanh xao khắc khổ của người hơi phơn
phớt đỏ. – Tiền đề của ông sai. Không có cái gì gọi là xung đột quyền lợi
giữa lao động và tư bản, hay ít ra thì không nên có.
- Xin cảm ơn ngài, – Ernest nghiêm sắc mặt nói. – Vô tình trong câu
cuối cùng của ngài, ngài đã công nhận tiền đề của tôi.
- Nhưng vì sao lại có thể có xung đột được kia chứ? –Đức Giám mục
bực bội hỏi.
Ernest nhún vai:
- Bởi vì chúng ta bẩm sinh ra như thế. Theo tôi đoán thì như vậy.
- Chúng ta có phải bẩm sinh như thế đâu! – Đức Giám mục kêu lên.
- Có phải ngài đang bàn về con người lý tưởng không? – Ernest hỏi.
Con người không vị kỷ, cao thượng như thần thánh ấy, có phải không?
Nhưng người như thế hiếm quá, có thể nói là không có trong thực tế. Hay là
ngài định nói con người thường?