một phố mà người khác không có tiền ở. Ngày nào vợ họ cũng thậm thụt
sang nhà nhau. Họ toàn là đánh bài với nhau, toàn là chơi bời với nhau… -
Nghĩa là ông vẫn nghĩ rằng Jackson phải chứ gì? – Tôi hỏi và đứng chờ ông
ta trả lời.
- Còn nghĩ ngợi lôi thôi gì nữa! Tôi biết chắc chắn là Jackson phải, –
ông ta đáp. – Thoạt đầu là tôi cũng cứ tưởng là anh ta có cơ được kiện.
Nhưng tôi không cho nhà tôi biết, tôi không muốn nhà tôi mừng hụt. Nhà
tôi đang thèm về sống ở thôn quê một thời gian. Thế này cũng đủ thất vọng
lắm rồi.
Peter Donnelly là một trong hai viên đốc công đã ra làm chứng ở toà.
Tôi hỏi y như sau:
- Sao ông không xin toà lưu ý đến chỗ Jackson cố tránh cho máy khỏi
bị hư hại?
Y suy nghĩ một lúc lâu rồi mới trả lời. Y lo ngại nhìn bốn xung quanh
và bảo:
- Bởi vì tôi có một người vợ hiền và ba đứa con rất ngoan, rất kháu. Có
thể nói, bà chưa bao giờ nhìn thấy đứa trẻ nào kháu khỉnh như thế.
- Tôi không hiểu ông định nói gì, – tôi bảo.
- Nói một cách khác, khai như thế khó lắm.
- Ông định bảo là… – nhưng y đùng đùng ngắt lời tôi:
- Tôi định nói thế chứ còn thế nào nữa. Tôi làm nhà máy đã hằng bao
nhiêu năm. Tôi bắt đầu vào xe sợi từ nhỏ và làm suốt từ đó đến nay. Chính
là do chịu thương chịu khó mà tôi leo lên được cái địa vị này. Vâng, thưa
bà, tôi là đốc công. Thử hỏi ở cái nhà máy này, lúc lỡ ra thì hỏi có ai giơ tay
kéo tôi cho tôi khỏi chết đuối không? Trước tôi có chân trong công đoàn.
Nhưng hai kỳ bãi công, tôi ở lại làm cho công ty. Chúng nó gọi tôi là “phần
tử vàng”. Bây giờ giá tôi có mời thì cũng không đứa nào thèm uống với tôi
cốc rượu. Bà có thấy vết sẹo trên đầu tôi không? Chúng nó lấy gạch ném tôi
đấy! Bọn nhóc con ở xưởng xe sợi không đứa nào là không réo tên tôi lên
chửi. Tôi chỉ còn một người bạn thôi, là công ty. Cũng chẳng ai bắt tôi đứng
về phe công ty. Nhưng tôi cần bánh mì, cần bơ, cần cho con tôi sống. lý do
là như thế.
- Jackson có gì đáng khiển trách không? – Tôi hỏi.