- Lẽ ra anh ta được bồi thường thì mới phải. Anh ta làm ăn tốt, không
bao giờ gây khó khăn cho nhà máy.
- Vậy ra ông không được tự do nói hết sự thật như ông đã tuyên thệ ư?
Y lắc đầu.
- Sự thật, tất cả sự thật, và chỉ có sự thật, – tôi trịnh trọng nói thêm.
Bỗng y lại hầm hầm nét mặt.
Y ngẩng lên không phải để nhìn tôi, mà để nhìn trời.
- Vì các con tôi, – y đáp, – giá có bị thiêu chết cả thể xác lẫn linh hồn
dưới địa ngục, tôi cũng cam lòng.
Henry Dallas, viên giám đốc, là một tên mình người mặt cáo. Y nhìn
tôi một cách xấc láo và nhất định không chịu nói. Tôi không sao hỏi được y
nửa lời về vụ kiện và về khẩu cung của y ở toà. Nhưng tôi đến tìm viên đốc
công thứ hai thì đạt được kết quả hơn. James Smith là một người nét mặt
khắc khổ, gặp anh ta tự nhiên tôi thấy lòng se lại. Tôi có cảm tưởng cả anh
ta nữa cũng không được tự do. Lúc nói chuyện tôi nhận thấy tính tình anh ta
khá hơn bọn người cùng giới với anh ta. Anh ta đồng ý với Peter Donnelly
rằng Jackson đáng lẽ phải được bồi thường. Anh ta còn đi xa hơn. Anh ta
bảo quẳng người công nhân đó ra lề đường sau khi người đó bị tai nạn mất
cả sức lao động là tàn bạo, là giết người không dao. Anh ta cũng kể lại rằng
trong nhà máy thường xảy ra tai nạn luôn và chính sách của công ty là đấu
tranh đến cùng chống những vụ kiện đòi bồi thường. Anh ta bảo:
- Hằng năm như thế là nhà chủ đỡ tốn hàng chục vạn đô-la.
Tôi nhớ ngay đến số tiền lời ba tôi mới được chia. Ba tôi đã dùng tiền
này để sắm áo đẹp cho tôi và mua sách cho mình. Tôi nhớ lại lời Ernest kết
tội tấm áo của tôi vấy máu và tôi cảm thấy các thớ thịt rùng lên dưới lớp
quần áo tôi đang mặc.
- Lúc khai trước toà, ông không vạch rõ rằng Jackson bị tai nạn là vì
muốn cho nhà máy khỏi bị hư hại ư?
- Không, – anh ta đáp và anh ta mím môi lại trông rất chua xót. – Tôi
đã làm chứng rằng Jackson bị thương vì cẩu thả, vì không cẩn thận và công
ty không phải chịu trách nhiệm gì về việc này.
- Có phải là cẩu thả thật không? – Tôi hỏi.